Hỗ trợ người lao động vượt khó
Đời sống - Ngày đăng : 06:42, 03/04/2020
Người lao động đang gặp khó...
Bị mất việc làm từ đầu tháng 3-2020 tại một doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Thanh Oai (huyện Thanh Oai, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Ngân (tổ dân phố 14, phường Phú Lương, quận Hà Đông) đành phải mở cửa hàng may nhỏ tại nhà để có nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống. "Trước mắt tạm thời là như vậy, để sau khi dịch Covid-19 kết thúc, có thể tôi sẽ đi xin việc trở lại", chị Ngân cho biết.
Chị Nguyễn Thị Ngân chỉ là một trong số rất nhiều lao động bị mất việc làm do tác động của dịch Covid-19. Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, trong quý I-2020, số người đến trung tâm nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp là hơn 12.000 người, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2019. "Số lượng lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tăng trong những tháng đầu năm nay do nhiều yếu tố, trong đó có tác động rất lớn từ dịch Covid-19", Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo đánh giá.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, theo khảo sát sơ bộ, đến cuối tháng 3-2020, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 40% doanh nghiệp, trong tổng số hơn 240.000 doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, kéo theo hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm hoặc phải giảm giờ làm.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ước tính cả nước có khoảng 15% doanh nghiệp bị ảnh hưởng; hơn 153.000 người lao động làm việc trong doanh nghiệp mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ước tính quý II-2020 sẽ có khoảng 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và từ 1,5 đến 2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong đó, loại hình doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm khoảng gần 80% tổng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may, vận tải, du lịch, dịch vụ… bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm nhiều hơn các ngành, nghề khác.
Tiếp sức bằng giải pháp chính sách
Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mê Linh (Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Tám, hiện người lao động và doanh nghiệp bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khó có khả năng tự phục hồi, mà cần sự tiếp sức bằng hệ thống chính sách phù hợp.
Tại Hà Nội, từ ngày 20-3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị Ban Quản lý Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc và các địa phương khảo sát thông tin tình hình lao động, việc làm trong thời gian qua, báo cáo kết quả cụ thể. Căn cứ vào kết quả khảo sát, Sở sẽ phân tích, đánh giá và tham mưu đề xuất UBND thành phố xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng. Sở cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc duy trì việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn, hỗ trợ kết nối việc làm trực tuyến; tăng cường thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, sẵn sàng kết nối cung - cầu lao động khi hết dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, nhiều giải pháp chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội thời điểm dịch Covid-19 do Bộ đề xuất được Chính phủ xem xét thông qua. Theo đó, ngoài chế độ, chính sách hiện hành, dự kiến, trong quý II năm nay, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Người sử dụng lao động được vay vốn không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trả 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng cho người lao động bị ngừng việc; đồng thời người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm tự lo nguồn kinh phí để thanh toán nốt số tiền 50% còn lại cho người lao động. Ngoài ra, người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19, dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội sẽ được dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa 12 tháng…
Đón nhận thông tin này, Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt may Hà Nội Hoàng Thanh Sơn cho rằng, các chính sách trợ giúp sẽ là phao cứu sinh giúp cho người lao động, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, để các nguồn lực trợ giúp đến đúng người, đối tượng thụ hưởng, các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai.
Tương tự, theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, với nhóm lao động bị mất việc làm do tác động của dịch Covid-19 ở khu vực kinh tế phi chính thức (không có hợp đồng lao động) chiếm tỷ lệ không nhỏ, rất khó xác định. Vì thế, cần có hướng dẫn cụ thể với nhóm lao động này thì mới triển khai đạt hiệu quả.
Dưới góc độ khác, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam Lee Chang-Hee cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến ít nhất 25 triệu lao động của các quốc gia bị mất việc làm, trong đó có lao động ở Việt Nam. Với định hướng giải pháp, chính sách hỗ trợ đồng bộ, mang ý nghĩa tạo đòn bẩy, các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hồi phục, phát triển khi hết dịch Covid-19, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.