Viễn thông - tìm cơ hội trong đại dịch

Xe++ - Ngày đăng : 07:15, 04/04/2020

(HNM) - Trong khi nhiều ngành kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ “đại dịch toàn cầu” Covid 19 thì không ít ý kiến cho rằng ngành Viễn thông sẽ vẫn duy trì tăng trưởng cao! Trên thực tế, các nhà mạng cũng đang bị tác động không nhỏ. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ triển khai chuyển đổi số…

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà mạng trong quý I-2020, doanh thu di động của nhà mạng bị sụt giảm do doanh thu roaming (chuyển vùng quốc tế) giảm vì lượng khách du lịch đến, đi giảm mạnh. Ngoài ra, doanh nghiệp viễn thông còn bị ảnh hưởng từ việc nhập khẩu thiết bị, linh kiện, nguyên liệu “đầu vào” từ thị trường Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone (thuộc Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam VNPT) cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của khối khách hàng doanh nghiệp; cơ quan, đơn vị khác bị tạm dừng hoặc chậm lại khiến doanh thu của nhà mạng sụt giảm. Lưu lượng data (dữ liệu) tăng khi làm việc trực tuyến (online) nhưng không nhiều. Doanh thu từ data cũng không tăng vì khách hàng dùng theo gói cước. Ngoài ra, nhu cầu liên lạc giảm, dẫn đến doanh thu từ thoại giảm.

Mặc dù kết thúc tháng 2, doanh thu dịch vụ của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó khối viễn thông tăng 8,6%), nhưng khi đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh ở giai đoạn này, lãnh đạo Tập đoàn Viettel khá thận trọng. Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, doanh thu nhà mạng sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Rõ nhất là hành vi khách hàng thay đổi khi giảm nhu cầu dùng di động (gồm cả giao dịch thoại giảm mạnh) và do nghỉ làm việc, thu nhập giảm, nên chi tiêu cho viễn thông giảm theo.

Với những thông tin như trên có thể hình dung “bức tranh” không mấy sáng sủa cho ngành Viễn thông trong đại dịch Covid 19. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các nhà mạng, vẫn có thể tìm thấy cơ hội kinh doanh bằng cách thúc đẩy chuyển đổi số. Nhưng đó là cơ hội của dài hạn!

Về vấn đề này, theo ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone cùng chung tay chống dịch, MobiFone thực hiện miễn cước cho học sinh, miễn phí ứng dụng megameeting (giải pháp họp hội nghị trực tuyến với phòng họp ảo) cho các trường để học, dạy học từ xa. Việc ủng hộ này thể hiện sự cam kết của MobiFone chia sẻ, đồng hành với ngành Giáo dục và cả nước cùng chống dịch, đồng thời cũng là một sự đầu tư để phát triển khách hàng tiềm năng sau này.

 Còn ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, VinaPhone và các nhà mạng hiện đang triển khai nhiều ứng dụng trực tuyến tới khách hàng. Nhưng vì phần lớn là cung cấp miễn phí, nên chưa thể bù đắp doanh thu ngay. Thực tế, VNPT có một số dịch vụ tăng trưởng tốt như VNPT Pay (ví điện tử), học trực tuyến, hội nghị truyền hình trực tuyến... nhưng để được như kỳ vọng về doanh thu thì vẫn là câu chuyện của tương lai.

Với Tập đoàn Viettel, theo ông Tào Đức Thắng thì giải pháp vẫn là tăng cường bảo đảm mạng lưới để chung tay cùng cả nước chống dịch, đưa ra các ứng dụng trực tuyến phục vụ nhu cầu làm việc ở nhà của người dân, doanh nghiệp.

Trong lễ phát động toàn ngành đồng hành cùng cả nước chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "Dịch Covid-19 lây lan là do tiếp xúc. Công nghệ số là không tiếp xúc. Vì vậy, cơ hội lớn nhất lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số, tạo ra các ứng dụng công nghệ số, đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số".

Việt Nga