Những ứng dụng họp trực tuyến có thể thay thế Zoom khi cần thiết
Xe++ - Ngày đăng : 13:01, 04/04/2020
Tuy nhiên, Zoom cũng như nhiều dịch vụ trực tuyến khác luôn đối mặt nguy cơ “sập nguồn”. Gần đây, dịch vụ này cũng đối mặt nhiều bất cập về mặt bảo mật, từ việc bộ cài đặt “chính hãng” đã có dấu hiệu cài mã độc; chia sẻ dữ liệu tới Facebook không có sự chấp thuận từ người dùng; để lộ thông tin tài khoản LinkedIn...
Trong bối cảnh đó, nhiều người có thể sẽ muốn có những giải pháp thay thế Zoom để sử dụng khi cần.
Skype Meet Now
Nhắc tới họp trực tuyến, Skype gần như là công cụ đã đi vào “huyền thoại” kể từ khi xuất hiện lần đầu vào năm 2003. Hiện tại, ứng dụng này đang do Microsoft quản lý, với tính năng “Họp ngay” (Meet Now) cho phép tiến hành các thảo luận trực tuyến. Theo thông tin từ trang web của dịch vụ này, số người tối đa cho phép tùy thuộc vào nền tảng và thiết bị mà người dùng sử dụng.
Skype cũng có thể lưu trữ nội dung các cuộc gọi trong 30 ngày, cho phép làm mờ nền phía sau người (chỉ trong ứng dụng) và chia sẻ các bản thuyết trình (presentation) khá thuận tiện cho công việc.
Cisco Webex
Là ứng dụng đàm thoại hình ảnh trực tuyến lâu đời nhất, Webex được phát triển từ thủa sơ khai của internet hồi thập niên 90 thế kỷ trước. Tới năm 2007, dịch vụ này được công ty viễn thông nổi tiếng Cisco thâu tóm.
Mặc dù Webex là ứng dụng chuyên biệt phục vụ doanh nghiệp, nhưng phiên bản miễn phí của nó cũng có nhiều tính năng rất phong phú, đủ để sử dụng cho nhu cầu cơ bản.
Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, Cisco cũng đã mở khóa nhiều tính năng thu phí, như cho phép tiến hành họp 100 người (thay vì 50 như trước kia), bỏ giới hạn họp 40 phút, bổ sung tính năng gọi chỉ âm thanh (Call-in)…
Starleaf
Những người dùng cá nhân sẽ ít có cơ hội nghe thấy cái tên Starleaf, vốn là dịch vụ nền tảng cho các công ty quy mô lớn. Đặc điểm này cũng khiến việc sử dụng Starleaf thường thông qua hợp đồng hợp tác, thay vì mua bản quyền cho một hay hai máy tính đơn lẻ.
Tuy nhiên, Starleaf hiện cũng bắt đầu cung cấp ứng dụng cơ bản miễn phí, cho phép tiến hành họp trực tuyến (tối đa 20 người trong 46 phút).
Việc sử dụng những ứng dụng chuyên nghiệp như Webex hay Starleaf có nhiều ích lợi, như không vướng quảng cáo, ít tính năng “rác”, và đặc biệt an toàn về khía cạnh bảo mật thông tin. Ngoài phần mềm, Starleaf cũng cung cấp nhiều thiết bị phần cứng chuyên dụng cho họp trực tuyến.
Jitsi Meet
Là ứng dụng họp trực tuyến hiếm hoi sử dụng nền tảng mã nguồn mở, Jitsi Meet cho phép người dùng khởi động cuộc họp nhanh chỉ bằng cách vào trang web (jitsi.org) và nhấn “Go”. Nếu muốn phát triển phiên bản ứng dụng riêng cho tổ chức và doanh nghiệp, người dùng có thể sử dụng Jitsi Videobridge.
Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy ứng dụng miễn phí trên web khá thuận tiện và dễ dùng, được tích hợp nhiều tính năng hữu ích như ghi lại nội dung họp (chuyển thẳng vào Dropbox) hay “đá bay” những thành viên họp gây mất trật tự.
Jitsi Meet hỗ trợ tối đa 75 người họp cùng lúc (35 người để có chất lượng kết nối tối ưu), cho phép tiến hành họp nhóm riêng khi cần, có thể tương tác với Slack, Google Calendar và Office 365. Hiện nay, Jitsi Meet cũng đang thử nghiệm tính năng làm mờ nền tương tự như Skype Meet Now.
Whereby
So với các dịch vụ nói trên, phiên bản Whereby miễn phí có phần hạn chế hơn về tính năng. Cụ thể, nó chỉ cho phép người dùng sử dụng phòng họp đơn với tối đa 4 người tham gia, nhưng có kèm cơ chế “khóa cửa” (buộc người muốn tham gia thêm phải xin phép quản trị). Mỗi phòng họp sẽ có đường dẫn riêng để tham gia nhanh (tương tự Zoom).
Một số tính năng độc đáo của Whereby có thể kể tới như: Cho phép chia sẻ màn hình, tắt tiếng hoặc từ chối tương tác với một thành viên cụ thể, sử dụng các biểu tượng cảm xúc (emoji), tương tác với YouTube… Phiên bản thu phí (Pro) của Whereby (9,99 USD/tháng) cho phép họp 12 người/phòng và tối đa ba phòng họp.
Google Hangouts
Mặc dù không còn được Google quảng bá rộng rãi, phiên bản Hangouts “cổ kính” vẫn có thể sử dụng bình thường cho các cuộc gặp gỡ trực tuyến. Hiện nay, Google cũng tập trung phát triển Hangouts Meet - một phần trong bộ công cụ G Suite của hãng - dành cho người dùng có thu phí và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Hangouts miễn phí vẫn cho phép các cuộc đàm thoại hình ảnh 10 người, nhắn tin văn bản và chia sẻ nội dung màn hình. So với các giải pháp ở trên, Hangouts tuy không phong phú tính năng, nhưng đổi lại khá nhỏ gọn và dễ sử dụng. Một điểm mạnh không thể bỏ qua của dịch vụ này là cho phép họp chỉ âm thanh lên tới 150 người.
Ngoài những ứng dụng kể trên, thực tế việc sử dụng bất kì một công cụ đàm thoại hình ảnh nào cho các cuộc gặp trực tuyến cũng đều khả thi.
Tuy nhiên, do phần lớn các công cụ khác chỉ phát triển riêng cho nền tảng của mình (ví dụ như Facetime chỉ hỗ trợ thiết bị Apple), hay tập trung phục vụ nhu cầu giao tiếp xã hội thay vì các cuộc họp trong doanh nghiệp nên tính năng và giao diện thường có phần rườm rà. Một số cái tên nổi bật cũng có thể nhắc tới như RemoteHQ, Talky, Highfive, 8x8 hay BlueJeans.