Xử nghiêm “bệnh vô trách nhiệm” trong phòng, chống dịch Covid-19
Đời sống - Ngày đăng : 07:06, 04/04/2020
Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Luật Châu Á cho biết, thời gian qua, ông nhận được khá nhiều câu hỏi về một đề tài thời sự: Xử lý như thế nào trước những hành vi cách ly vẫn ra đường, trốn cách ly, thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận. Ai cũng cho rằng phải xử lý thật nghiêm những hành vi trên, song vấn đề gây tranh cãi là xử lý hành chính hay hình sự.
Có nhiều phương án được đặt ra xoay quanh những tình huống cụ thể và thực tế là hiện nay các địa phương đang áp dụng mức phạt khác nhau, chủ yếu là xử lý hành chính. Trước thực tế đó, theo ông Nguyễn Hoài Sơn, việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Công văn số 45 sẽ bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xử lý vi phạm.
Theo hướng dẫn ở công văn trên, người đã được thông báo mắc bệnh, người đã được thông báo cách ly nhưng không tuân thủ, không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người”, quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự và bị xử lý về tội "làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người". Như vậy, theo luật sư Nguyễn Hoài Sơn, trường hợp người dân phát hiện người đang thuộc diện cách ly mà vẫn đi ra đường, không tuân thủ lệnh cấm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể báo ngay cho UBND và cơ quan y tế dự phòng tại địa phương để giải quyết.
Ngay cả với người chưa bị xác định mắc Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa mà trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa, không tuân thủ quy định cách ly…, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch thì bị xử lý về tội "vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người". Hành vi này có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự.
Tương tự, việc thông tin sai sự thật về dịch cũng bị xử lý hình sự. Cụ thể, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội "đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự. Người có hành vi lợi dụng dịch Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị xử lý về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trả lời câu hỏi liệu việc ban hành văn bản hướng dẫn này sẽ tháo gỡ những khó khăn trong việc xét xử đối với những hành vi như làm lây lan dịch bệnh, đầu cơ, trốn khỏi nơi cách ly... hay không, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh, việc ban hành văn bản này được coi là biện pháp cảnh báo, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm; hướng dẫn xét xử thống nhất. Để phòng, chống dịch, mọi người đều phải tuân theo quy định của pháp luật, trong đó có Bộ luật Hình sự.