Cuộc đua sản xuất vắc xin chống Covid-19
Công nghệ - Ngày đăng : 07:42, 05/04/2020
Ngày 2-4, Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO) cho biết, đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 1 vắc xin phòng Covid-19 trên hai con chồn sương tại phòng thí nghiệm thú y ở thành phố Geelong (thuộc bang Victoria). Dự án này do Đại học Oxford (Anh) và Hãng Dược phẩm Inovio (Mỹ) hợp tác và chồn sương được chọn vì có hệ thống hô hấp tương tự con người.
Giám đốc Y tế và An toàn sinh học của CSIRO - Tiến sĩ Rob Grenfell cho rằng, thử nghiệm có ý nghĩa trong cuộc đua tìm kiếm vắc xin phòng đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Ông cho biết việc thử nghiệm trên động vật sẽ cung cấp cơ sở và sự tự tin cho các nhà khoa học để chuyển sang nghiên cứu trên cơ thể người.
Hãng Dược phẩm sinh học AnGes Inc của Nhật Bản và Đại học Osaka cũng vừa nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho vắc xin phòng ngừa Covid-19 mà hai bên hợp tác để phát triển và bào chế. Các chuyên gia đã sử dụng một vi rút bị khử hoạt tính để bào chế vắc xin DNA. Theo AnGes Inc, phương pháp này có thể giúp sản xuất vắc xin nhanh hơn so với sử dụng protein. Hiện tại, các nhà khoa học của AnGes Inc và Đại học Osaka đang thử nghiệm các hợp chất vắc xin này trên động vật.
Trong khi đó, Công ty thuốc lá British American Tobacco thông báo, cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học của công ty tại Mỹ đang phát triển một loại vắc xin tiềm năng sử dụng các protein chiết xuất từ lá của cây thuốc lá. Hiện vắc xin này đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng. Cơ chế phát triển loại thuốc đang nghiên cứu dựa trên việc sử dụng một đoạn sao chép trong chuỗi gen của vi rút SARS-CoV-2 để tạo ra một gen đối kháng, rồi tiêm vào trong cây thuốc lá. Sau đó, những cây này được thu hoạch và chiết xuất để lấy các hệ gen đối kháng có chứa kháng thể rồi tiến hành lọc và đưa vào cơ thể người để chống lại vi rút.
Vắc xin mà công ty này phát triển cho kết quả ổn định ở nhiệt độ phòng, một điểm khác biệt so với những loại vắc xin thông thường cần được đông lạnh. Công ty này dự tính từ tháng 6 tới có thể sản xuất từ 1 đến 3 triệu liều vắc xin/tuần với sự hỗ trợ của các cơ quan chính phủ và các nhà sản xuất chuyên ngành.
Theo các chuyên gia y tế, thông thường, mỗi giai đoạn nghiên cứu và phát triển, vắc xin phải được thử nghiệm trên động vật, rồi trên người. Tổng cộng phải mất từ 6 đến 36 tháng để sản xuất. Với vi rút phức tạp như SARS-CoV-2, thời gian có thể phải mất lâu hơn. Tuy nhiên, thế giới đang trong cuộc đua đánh bại dịch bệnh và vắc xin đóng vai trò rất quan trọng. Các nhà khoa học sẵn sàng rút ngắn giai đoạn, thử nghiệm song song vắc xin trên cả động vật lẫn con người với hy vọng tìm ra phương thuốc ngăn ngừa Covid-19 trong thời gian sớm nhất.