Tuyển sinh học nghề năm 2020: “Lách” qua cánh cửa hẹp

Giáo dục - Ngày đăng : 06:52, 05/04/2020

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ hội tư vấn, hướng nghiệp, tổ chức tuyển sinh của các trường nghề bị hạn chế do học sinh tạm nghỉ học để phòng dịch, tránh tập trung đông người... Để “lách” qua cánh cửa hẹp, nhiều trường nghề trên địa bàn Hà Nội đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, quy mô tuyển sinh, đồng thời tổ chức truyền thông, tư vấn tuyển sinh trực tuyến bằng nhiều hình thức phù hợp.

Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội đẩy mạnh tuyển sinh, tư vấn theo hình thức trực tuyến.

Khó khăn hiện hữu

Hoạt động tuyển sinh đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp thường diễn ra quanh năm, nhưng tập trung chủ yếu ở thời điểm sau khi học sinh cuối bậc THCS, THPT thi tốt nghiệp. Để có nguồn đầu vào chất lượng, tháng 3 và tháng 4 hằng năm là thời điểm “vàng” để các trường nghề tư vấn hướng nghiệp, tổ chức tuyển sinh. Hình thức kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thí sinh chủ yếu thông qua ngày hội tư vấn tuyển sinh trực tiếp tại các trường THCS, THPT hoặc hội nghị giáo dục nghề nghiệp do các sở, ngành, địa phương tổ chức.

Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay hoạt động tư vấn, tuyển sinh trực tiếp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản tạm dừng. Mốc thời gian khai giảng các khóa đào tạo nghề mới tại các trường nghề cũng chưa thể xác định, khiến một số người có nhu cầu học nghề đã thay đổi kế hoạch lập nghiệp. Anh Trần Minh Tân, thôn Nhân Lý, xã Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) chia sẻ: “Tôi đã xác định đăng ký học nghề hàn, trình độ sơ cấp tại Trường Trung cấp nghề Sơn Tây vào quý I-2020. Sau khi học nghề, tôi sẽ mở cửa hàng cơ khí nhỏ tại địa phương. Do không thể học nghề theo dự kiến, tôi đã chuyển sang làm công việc khác”.

Dịch Covid-19 cũng tác động không nhỏ đến mục tiêu tuyển sinh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Theo ông Lê Minh Thảo, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), quý I hằng năm, hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội thường tuyển sinh được từ 20.000 đến 40.000 lượt người. Thế nhưng, năm nay số người đăng ký học nghề trong 3 tháng đầu năm không đáng kể. 

Không thể kết nối với thí sinh qua hình thức trực tiếp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chủ động chuyển hướng tư vấn tuyển sinh, nhận hồ sơ đăng ký học nghề qua hình thức trực tuyến. Đây là kênh tuyển sinh phổ biến, phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng hiệu quả chưa cao.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, việc tư vấn, tuyển sinh trực tuyến thu hút đông người tham gia do học sinh đang nghỉ học, nhiều lao động đang nghỉ làm, nên có thời gian tìm hiểu. Tuy nhiên, số người để lại thông tin để được tư vấn sâu hơn hoặc đăng ký tuyển sinh không nhiều, nhất là đối tượng học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THCS, THPT. “Người học còn “nghe ngóng” thời gian, kế hoạch tuyển sinh cao đẳng, đại học, sau khi có mốc thời gian chính thức, họ mới xác định con đường lập nghiệp cho bản thân”, ông Đồng Văn Ngọc cho biết thêm.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Từ kinh nghiệm thực tế, Trương Thế Diệu - thí sinh đầu tiên của Việt Nam giành Huy chương bạc kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019, đang học tại Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội cho biết, giai đoạn tạm nghỉ học để phòng, chống dịch là thời điểm thích hợp để những người có nhu cầu học nghề tự tìm hiểu, đánh giá xem bản thân phù hợp với ngành, nghề nào. Khi đã xác định rõ điều đó, người học nên chủ động nộp hồ sơ dự tuyển, chuẩn bị hành trang để theo đuổi niềm đam mê.

Về phía các trường nghề, để thu hút thí sinh, một số trường đã đưa ra phương pháp tuyển sinh hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của người học và thị trường lao động. Ông Nguyễn Yên Thắng, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết, nhà trường đã tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh trực tuyến vào cuối tháng 3 vừa qua với sự tham gia của đại diện nhà trường, doanh nghiệp, người học. Người tư vấn chủ yếu là học sinh, sinh viên, đại diện doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Cách tư vấn này tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin rộng rãi nên đầu tháng 4-2020, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã tiếp nhận được gần 100 hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Theo dõi diễn biến của thị trường lao động, bà Phạm Thị Hường, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội nhận thấy, trong tương lai gần, một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sẽ có nhu cầu học nghề ngắn hạn để có thêm cơ hội quay trở lại thị trường lao động. Từ đó, trường đã điều chỉnh kế hoạch tư vấn, tuyển sinh. “Thay vì ưu tiên tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng, chúng tôi mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh hệ sơ cấp. Đối tượng chúng tôi hướng tới là người lao động mất việc làm, có nhu cầu đào tạo nghề”, bà Phạm Thị Hường cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, ngoài hình thức tư vấn tuyển sinh trực tuyến, Sở đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phân tích thông tin về thị trường lao động, từ đó xây dựng kế hoạch tuyển sinh, đào tạo nghề cho sát nhu cầu. Sở cũng khuyến khích các nhà trường phát huy nội lực, tận dụng các mối quan hệ để tổ chức tuyển sinh đi liền với tuyển dụng, bảo đảm đầu ra cho người học nghề.

“Dù rất khó đạt mục tiêu toàn thành phố tuyển sinh, đào tạo nghề cho 210.000 lượt người trong năm 2020, song nếu các nhà trường cùng nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động biến “nguy”, thành “cơ”, thì chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn được bảo đảm. Đó cũng là giải pháp cơ bản để bình ổn thị trường lao động, nâng cao nhất lượng nguồn nhân lực Thủ đô”, bà Nguyễn Thanh Nhàn nói.

Minh Ngọc