Quan tâm đời sống người có công, có phương án hỗ trợ lương thực cho người nghèo

Đời sống - Ngày đăng : 11:59, 05/04/2020

(HNMO) - Tạm dừng xuất cảnh đến hết tháng 4, có phương án hỗ trợ lương thực cho người nghèo là những yêu cầu cơ bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công điện số 02/CĐ-LĐTBXH về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt cao điểm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát đi Công điện này vào ngày 5-4.

Yêu cầu tạm dừng xuất cảnh đến hết tháng 4-2020 (ảnh minh họa)

Người lao động tạm dừng xuất cảnh đến hết tháng 4

Một trong những điểm cần lưu ý là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu Cục quản lý Lao động ngoài nước hướng dẫn doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30-4-2020; khẩn trương hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến đăng ký hợp đồng cung ứng lao động kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cục Việc làm, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương hướng dẫn các địa phương tổ chức những hoạt động giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến để kết nối cung - cầu lao động.

Cùng với đó, các đơn vị tăng cường theo dõi, nắm chắc tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với người lao động và người sử dụng lao động tại các địa phương để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng; hướng dẫn, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, không để xảy ra các cuộc đình công trong thời gian có dịch Covid-19.

Trung tâm Dịch vụ việc làm thông báo cho phép người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường bưu điện, thông báo về việc tìm việc làm hằng tháng được thực hiện dưới hình thức gián tiếp (gửi thư điện tử, fax, qua đường bưu điện...) ngay sau khi Chính phủ cho phép.

Các ban quản lý lao động ở nước ngoài có trách nhiệm thông tin tới người lao động đang làm việc ở nước ngoài bình tĩnh ở lại làm việc và tuân thủ quy định của nước sở tại về phòng, chống dịch; không di chuyển, không đến địa bàn có dịch. Các ban cần tăng cường công tác quản lý, nắm tình hình và đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng của dịch.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, nước ta có hơn 560.000 lao động đang làm việc tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19. Lao động Việt Nam tại các quốc gia này vẫn đang làm việc bình thường và tuân thủ hướng dẫn về y tế của nước sở tại. Qua nắm bắt thông tin, người lao động chưa có nguyện vọng về nước tại thời điểm này.

Trong quý I, số lao động về nước là 4.929 người, chủ yếu là do hết hạn hợp đồng, từ một số thị trường chính là Nhật Bản (2.978 người), Hàn Quốc (1.255 người) và Đài Loan (633 người).

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, 3 thị trường chính tiếp nhận lao động Việt Nam gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc (chiếm 90%) cũng đang thắt chặt chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài. Cụ thể, phía Nhật Bản thông báo, từ 0h ngày 28-3, visa cấp cho thực tập sinh và lao động của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ tạm thời không có hiệu lực đến cuối tháng 4-2020. Các thực tập sinh và lao động sẽ không nhập cảnh vào Nhật Bản trong thời gian này.

Còn Hàn Quốc áp dụng chính sách tự cách ly 14 ngày đối với người nhập cảnh vào Hàn Quốc kể từ ngày 1-4-2020.

Các địa phương có phương án hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo (ảnh minh họa)

Quan tâm đời sống của người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội

Cũng tại Công điện này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các tỉnh, thành phố có biện pháp hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn; quan tâm đến đời sống của người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đúng, đủ, kịp thời. 

Nhằm bảo đảm đời sống nhân dân, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã có phương án hỗ trợ lương thực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và những gia đình khó khăn không đủ lương thực trong thời gian cách ly xã hội.

Hà Hiền