Xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại

Công nghệ - Ngày đăng : 15:36, 06/04/2020

Theo Tổng cục Thủy lợi, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất vụ đông xuân là khoảng 35.800ha, tương đương 2,3% diện tích gieo trồng; 80.700 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Nhiều diện tích lúa ở Bến Tre bị thiệt hại do hạn mặn. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng trở lại theo kỳ triều cường giữa tháng Ba âm lịch, cao nhất từ ngày 10 đến 13-4.

Với ranh mặn 4g/lít, cửa sông Vàm Cỏ Đông sẽ có phạm vi ảnh hưởng từ 90-100km, so với mức cao nhất tháng 3-2020 cao hơn từ 5-15km, so với tuần vừa qua tăng 10-21km.

Sông Vàm Cỏ Tây có phạm vi ảnh hưởng từ 125-130km, so với mức cao nhất tháng 3-2020 cao hơn 20-30km, so với tuần vừa qua tăng 5-10km.

Sông Cửa Tiểu, Cửa Đại có phạm vi ảnh hưởng từ 52-57km, so với mức cao nhất tháng 3-2020 thấp hơn 1-5km, so với tuần vừa qua ở mức tương đương.

Sông Hàm Luông có phạm vi ảnh hưởng từ 75-78km, so với mức cao nhất tháng 3-2020 thấp hơn 1-3km, so với tuần vừa qua tăng 1-2km.

Tại sông Cổ Chiên, phạm vi ảnh hưởng từ 45-50km, so với mức cao nhất tháng 3-2020 thấp hơn 1-6km, so với tuần vừa qua tăng 13-18km.

Trên sông Hậu, phạm vi ảnh hưởng từ 42-47km, so với mức cao nhất tháng 3-2020 thấp hơn 3-8km, so với tuần vừa qua tăng 8-13km. Sông Cái Lớn có phạm vi ảnh hưởng từ 60-65km, so với mức cao nhất tháng 3-2020 cao hơn từ 1-6km, so với tuần vừa qua tăng 1-6km.

Theo Tổng cục Thủy lợi, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất vụ đông xuân là khoảng 35.800ha, tương đương 2,3% diện tích gieo trồng; trong đó, Long An 5.330ha, Kiên Giang 4.960ha, Trà Vinh 17.390ha, Sóc Trăng 5.580ha, Cà Mau 2.450ha… Tổng diện tích gieo cấy lúa đông xuân 2019-2020 là 1,54 triệu héc ta; trong đó đã thu hoạch được trên 1,34 triệu héc ta.

Về nước sinh hoạt, hiện có khoảng 80.700 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt, điển hình Sóc Trăng 20.400 hộ, Cà Mau 18.500 hộ, Bến Tre 12.700 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ…

Để giảm thiểu thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tổ chức đo đạc, giám sát độ mặn tại các cửa lấy nước, để thực hiện lấy nước phù hợp, tuyệt đối không lấy nước có độ mặn cao hơn mức cho phép.

Trong thời gian xâm nhập mặn giảm, các địa phương tranh thủ lấy nước để cung cấp khẩn cấp cho các vùng cây ăn trái đang có nguy cơ thiếu nước và tạo nguồn nước sinh hoạt cho người dân.

Các vùng canh tác lúa đã thu hoạch cần lấy nước để tiến hành rửa mặn, chuẩn bị cho gieo cấy vụ hè thu khi có nguồn nước ngọt về ổn định.

Việc gieo cấy lúa hè thu cần căn cứ cụ thể tình hình nguồn nước, chỉ thực hiện khi có nguồn nước ngọt ổn định; các vùng ven biển cần đợi mùa mưa mới thực hiện xuống giống.

Theo Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)