Giải “bài toán” giá gia cầm giảm mạnh

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:27, 06/04/2020

(HNM) - Hiện giá gia cầm trên thị trường giảm mạnh do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể phải tạm ngừng hoạt động, trong khi đó nguồn cung lại dồi dào... Vừa gồng mình phòng, chống dịch bệnh, vừa phải bán sản phẩm với giá rẻ, người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn Thủ đô đang rơi vào cảnh khó khăn, nên rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.

Khoảng một tuần trở lại đây, giá bán gia cầm tại các trang trại chăn nuôi giảm mạnh. Cụ thể, giá gà Mía lai thả vườn tùy vào chất lượng, dao động trong khoảng 38.000-45.000 đồng/kg, trong khi trước đây giá 55.000-60.000 đồng/kg; gà công nghiệp lông trắng xuất chuồng 25.000-26.000 đồng/kg, gà ri ta và gà Mía thuần chủng được thương lái thu mua với giá 90.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Đông ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn), trang trại đang nuôi 3.000 gà Mía lai thả vườn, do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm, giá gà bán tại trang trại chỉ còn 50.000 đồng/kg, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. “Mặc dù rẻ nhưng tôi vẫn phải bán vì với 3.000 con gà (trọng lượng bình quân gần 2kg/con), mỗi ngày, chỉ riêng chi phí thức ăn đã tốn 2 triệu đồng” - ông Đông cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Sắc ở xã Thụy An (huyện Ba Vì), gia đình ông đang nuôi 1.000 gà ri ta thả vườn, nếu bán trong thời điểm này sẽ lỗ khoảng hơn 100 triệu đồng. Nhưng nếu tiếp tục nuôi, ngoài rủi ro vì dịch bệnh, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng nhẹ khoảng 12.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với tháng 2-2020; không những thế nếu gà nuôi lâu, trọng lượng lớn sẽ khó bán.

Không riêng tại cơ sở chăn nuôi, tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, tình hình tiêu thụ thịt gia cầm cũng giảm mạnh. Theo Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) Lê Thanh Bình, trước đây, trung bình mỗi ngày, chợ tiêu thụ 30-35 tấn gia cầm. Tuy nhiên, thời điểm này lượng gia cầm về chợ chỉ khoảng 20-25 tấn/ngày và giá các loại gia cầm đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về tình trạng trên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, do dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, bếp ăn tập thể phải đóng cửa, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm giảm nên các trang trại khó tiêu thụ. Mặt khác, ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi trước đó nên nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi gà, vịt khiến nguồn cung tăng mạnh...

Để trợ giúp các hộ chăn nuôi vượt qua khó khăn, theo kiến nghị của ông Nguyễn Văn Hưng ở xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên), trước hết, các ngành chức năng cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ mạnh cho mô hình sản xuất gia cầm theo chuỗi giá trị; tiếp đó, cần tạo điều kiện cho người chăn nuôi được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước thông qua Quỹ Khuyến nông, Quỹ Hội nông dân… nhằm thêm nguồn vốn duy trì sản xuất khi giá gia cầm giảm.

Thời điểm này, để ổn định chăn nuôi gia cầm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, Hà Nội đã hỗ trợ một số vùng chăn nuôi gia cầm lớn xây dựng chuỗi giá trị như: Chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, Ba Vì; vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa); trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai). Qua đó, đã có một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu một phần sản phẩm cho các chuỗi trên. Mặt khác, các hộ chăn nuôi cần đổi mới cách bán hàng qua hệ thống mạng internet, chợ điện tử..., nhằm tăng lượng tiêu thụ.

Về lâu dài, theo ông Nguyễn Huy Đăng, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm theo vùng/xã trọng điểm. Đồng thời lưu ý các địa phương cần tập trung tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để người dân có thể ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp gia cầm thương phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, hạn chế thấp nhất tình trạng phụ thuộc vào thương lái…

Ngọc Quỳnh