Xét nghiệm nhanh diện rộng, tăng cường chống dịch ở nhà máy, xí nghiệp

Đời sống - Ngày đăng : 09:56, 07/04/2020

(HNMO) - Hiện thành phố Hồ Chí Minh còn trống 8.400 chỗ trong tổng số 12.600 chỗ cách ly tập trung (tương đương với 66% năng lực cách ly chưa dùng đến) và chỉ dùng khoảng 5% số giường bệnh cho 31 ca đang điều trị Covid-19. Công việc trọng tâm trước mắt là tăng cường phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19 trong nhà máy, công xưởng.

Sẽ triển khai xét nghiệm nhanh diện rộng

Số liệu từ Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến sáng 7-4, có 31 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại thành phố. Đáng chú ý là bệnh nhân 91 (phi công người Anh của Vietnam Airlines, là nguồn lây ở quán bar Buddha quận 2) đã hết sốt, mạch và huyết áp ổn, nhưng vẫn đang phải thở máy.

Toàn thành phố chỉ còn 1 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, đang chờ kết quả xét nghiệm. Hiện có gần 3.500 trường hợp phải cách ly trong các khu cách ly tập trung của thành phố, quận, huyện và nơi cư trú.

Dự kiến đến ngày 9-4, thành phố sẽ giải tỏa hết số người đang cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này sẽ được dọn dẹp, khử khuẩn triệt để, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cũng từ ngày 9-4, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai xét nghiệm nhanh cho mọi hành khách vào thành phố Hồ Chí Minh tại ga tàu, sân bay, bến xe. Người có kết quả dương tính sẽ được đưa vào khu cách ly tập trung và xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh, đây là một phần trong kế hoạch dự kiến tận dụng 15 ngày vàng thực hiện giãn cách xã hội để triển khai giám sát trong cộng đồng, thông qua khai báo y tế và xét nghiệm tầm soát mở rộng; đặc biệt là tại các khu vực, địa điểm có nhiều sự giao thương giữa thành phố và các tỉnh, thành phố như khu công nghiệp, chợ đầu mối…

Chỉ đạo định hướng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong cả nước vẫn đang phức tạp, chưa lường trước được hết các diễn biến tiếp theo, cần tính toán đến việc chuyển xã hội sang trạng thái mới “không có dịch nhưng vẫn có nguy cơ vi rút” để chủ động các biện pháp phù hợp.

Tăng cường giám sát phòng dịch trong khu công nghiệp

Một trong các nội dung trọng tâm mà thành phố Hồ Chí Minh triển khai mạnh mẽ trong dịp này là việc giám sát chống dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất với 290.000 lao động.

Thành phố đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trong doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh để doanh nghiệp và các cấp chính quyền căn cứ giám sát và phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm ở những nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp đang duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội.

Cụ thể, bộ chỉ số có 10 tiêu chí đánh giá. Mỗi tiêu chí 10 điểm (mức nguy cơ cao nhất). Ví dụ: Tiêu chí 1 là số lượng công nhân làm việc tại doanh nghiệp, dưới 100 người là 1 điểm; từ 100 đến 500 người là 2 điểm; từ 500 đến 1.000 người là 5 điểm; trên 1.000 người là 10 điểm.

 Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn.

Tiêu chí 2 là chỉ số về mật độ người làm việc trên 1m2 mặt bằng phân xưởng: 16m2 trở lên có 1 người làm việc tính 1 điểm; từ 9 đến 16m2 có 1 người làm việc, tính 2 điểm; từ 1m2 đến dưới 2,5m2 có 1 người làm việc, tính 10 điểm.

Ngoài ra, còn các tiêu chí đánh giá khác như: Công nhân có đo nhiệt độ, rửa tay khử khuẩn trước khi vào làm việc không; có đeo khẩu trang khi làm việc không; khoảng cách công nhân tại nhà ăn; doanh nghiệp có tổ chức đưa đón công nhân bằng xe ô tô hay không, khoảng cách đưa đón công nhân…

Số điểm càng cao, nguy cơ càng lớn. Căn cứ vào số điểm đánh giá này, Sở Y tế có trách nhiệm phối hợp với các ban, ngành chức năng của thành phố yêu cầu doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và tăng cường giám sát nhà máy, công xưởng. Nơi nào có nguy cơ cao mà không thực hiện các giải pháp phòng ngừa, sẽ bị kiến nghị tạm dừng sản xuất.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chỉ đạo: Chậm nhất trong ngày 8-4, các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp cao tại thành phố phải nộp kết quả tự đánh giá cho Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và UBND các quận, huyện để được giám sát theo quy định.

Các khu cách ly tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh sắp giải tỏa hết người

9 điểm cách ly tập trung cấp thành phố để phòng chống dịch Covid-19 của thành phố Hồ Chí Minh đã hết người hoặc còn ít người. Dự kiến đến ngày 9-4, thành phố sẽ giải tỏa phần lớn trong tổng số 2.888 người cách ly tập trung còn lại này.

Tính đến sáng 7-4, khu cách ly tập trung của thành phố tại Quân đoàn 4 đã không còn người nào. Các khu cách ly tập trung, bao gồm cả 3 khu cách ly có trả phí (tương đương 300 giường) tại các khu nghỉ dưỡng, ở Cần Giờ cũng không còn người phải cách ly tập trung.

Tại các khu cách ly tập trung khác cũng còn rất ít người. Tại huyện Củ Chi còn 57 người, huyện Nhà Bè còn 22 người, Bệnh viện quận 7 còn 16 người, Trường Quân sự Quân khu 7 (quận 12) còn 8 người...

Ngoài ra, số người đang cách ly tập trung tại các địa điểm mới triển khai như tại Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học (cơ sở 2): 420 trường hợp; tại Học viện Chính trị khu vực 2 (quận 9): 106 trường hợp, cũng sẽ lần lượt giải tỏa người hết hạn cách ly trong thời gian tới.

Các ban, ngành chức năng thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khử trùng, vệ sinh các khu cách ly tập trung này để sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ cách ly tập trung theo yêu cầu của thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Thu Hoài - Phương Nam