Bàn giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan rộng trong cộng đồng
Đời sống - Ngày đăng : 16:17, 07/04/2020
Cuộc họp diễn ra đột xuất với đại diện ngành Y tế và người đứng đầu các địa phương nhằm bàn các giải pháp cấp bách ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thời gian gần đây có nhiều ca lây nhiễm mới tại cộng đồng. Điều này cần được ngăn chặn kịp thời, bởi nếu không khoanh vùng kịp thời các đối tượng, hậu quả sẽ rất nặng nề. Đơn cử như, bệnh nhân số 243 đã đi đến nhiều điểm, khiến nhiều người bị ảnh hưởng, phải cách ly, trong đó có đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ.
“Đội ngũ y, bác sĩ là những chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Nếu họ bị cách ly hoặc phải điều trị thì ai sẽ là người điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19?”, đồng chí Nguyễn Đức Chung trăn trở.
Báo cáo về các vấn đề liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, khoanh vùng, tổ chức cách ly, theo dõi các đối tượng có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Đến ngày 7-4, các đơn vị đã rà soát được 25.966 trường hợp tại cộng đồng; đã lấy mẫu xét nghiệm được 16.014 trường hợp, có 5.917 người âm tính, 4 người dương tính, còn lại đang chờ kết quả.
Trong đó, lực lượng cán bộ y tế được lấy mẫu xét nghiệm là 2.509 người; đã được xét nghiệm là 2.102 người; 699 người có kết quả; không có ai dương tính; số hiện cách ly là 1.635 người.
Bệnh nhân (nội trú đã ra viện và ngoại trú) là 10.477 người; 7.060 người đã được lấy mẫu xét nghiệm; 2.756 người đã có kết quả xét nghiệm; số dương tính là 2 (bệnh nhân số 197 và bệnh nhân số 213); số hiện cách ly là 3.573 người.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo là 359 người; đã lấy mẫu xét nghiệm 117 người; số có kết quả xét nghiệm là 67 người; không có ai dương tính; số hiện cách ly là 293 người.
Người chăm sóc, người đến thăm bệnh nhân là 7.132 người; đã lấy mẫu xét nghiệm 4.372 người; số có kết quả là 1.450 người; không có ai dương tính; số hiện cách ly là 2.538 người.
Số nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai là 564 người; đã lấy mẫu xét nghiệm 241 người; số có kết quả là 63 người; số dương tính là 1 người (bệnh nhân số 195); số hiện cách ly là 242 người.
Các trường hợp khác (sinh viên, học sinh, lái xe taxi, "xe ôm"...): 4.925 người; đã lấy mẫu xét nghiệm cho 2.122 người; số có kết quả là 882 người; số dương tính: 1 người (bệnh nhân số 215); số cách ly là 1.693 người.
Thành phố cũng đã tổ chức vận chuyển và cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của thành phố đối với 631 trường hợp là người nhà của bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai; đã lấy mẫu xét nghiệm được 631 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp dương tính, các trường hợp còn lại âm tính.
Phát hiện thêm 2 ca bệnh liên quan đến bệnh nhân 243, cách ly thôn Hạ Lôi
Liên quan đến bệnh nhân số 243 (bệnh nhân nam, ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh), Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, trường hợp này có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Do không có biểu hiện của bệnh nên bệnh nhân này đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người.
Ngày 6-4, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2, vợ bệnh nhân âm tính. Hai trường hợp liên quan có xét nghiệm lần 1 dương tính với SARS-Cov-2 là hàng xóm và chị dâu của bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đang tiến hành xét nghiệm khẳng định với hai trường hợp này.
Tính đến 11h ngày 7-4, cơ quan chức năng đã xác định 104 trường hợp F1, 482 trường hợp F2; lấy mẫu xét nghiệm 90 trường hợp và chuyển cho Viện Vệ sinh dịch tễ lúc 3h ngày 7-4; chuyển 31 trường hợp cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Mê Linh; 35 trường hợp ở Bệnh viện Bắc Thăng Long, còn lại thực hiện cách ly tại nhà. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đang tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan. Trung tâm y tế huyện Mê Linh đã phun khử khuẩn các địa điểm liên quan...
Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tiến hành lập chốt cách ly tại xóm Vàng, nơi bệnh nhân ở; hạn chế tối đa người qua lại trong thôn Hạ Lôi, cũng như toàn xã Mê Linh; tuyên truyền tới người dân về trường hợp ca bệnh trên địa bàn. Tuy nhiên, đánh giá đây là trường hợp tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao, ông Nguyễn Nhật Cảm đề xuất, có thể thực hiện cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi với thời gian quy định.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, huyện đã thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố, thực hiện cách ly với các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12 đến ngày 28-3 và trường hợp bệnh nhân số 243, trong đó có 67 trường hợp F1 đã được lấy mẫu và cách ly; đồng thời rà soát và tổ chức cách ly hơn 100 trường hợp F2; tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố rà soát.
Chủ tịch UBND xã Mê Linh (huyện Mê Linh) Tạ Quang Thái cho biết, bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi, liên quan đến 6/9 xóm, 2/3 thôn của xã Mê Linh, có nhiều nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Với lịch trình di chuyển phức tạp, nhiều nguy cơ của bệnh nhân này, Chủ tịch UBND xã Mê Linh đề xuất thành phố cách ly ngay toàn bộ thôn Hạ Lôi theo đúng quy định để đảm bảo dịch không lây ra các xã lân cận.
Bên cạnh đó, một số địa phương nằm trong hành trình di chuyển của bệnh nhân số 243 cũng đã tiến hành khoanh vùng, rà soát các trường hợp F1, F2. Cụ thể, quận Bắc Từ Liêm rà soát được 2 trường hợp F1, 7 trường hợp F2 và 125 trường hợp F3. Quận Tây Hồ có chợ hoa Quảng An nhưng chợ này đã đóng cửa từ ngày 1-4, bệnh nhân số 243 có bán cây cảnh trên đoạn đê gần chợ Quảng An, quận đã cử lực lượng thực hiện chốt tại điểm phường Nhật Tân, không cho bán hoa để tránh tập trung đông người.
Kết luận về trường hợp này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trong Công điện số 1 và số 2 của UBND thành phố ngày 28-3 đã thể hiện rõ, tất cả các trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, có yếu tố lây lan dịch ra cộng đồng thì chính quyền địa phương phải lập tức ra quyết định cách ly. Vì thế, việc cách ly xã Hạ Lôi lúc này cần phải được địa phương thực hiện ngay.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, các địa phương cần có cách đánh giá, chấn chỉnh lại việc cách ly, tránh tình trạng phát hiện, cách ly muộn như với ca bệnh số 243.
"Trong Công điện số 1 và số 2 của UBND thành phố yêu cầu xác minh toàn bộ trường hợp có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai và phải có quyết định cách ly ngay lập tức và lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 28-3 có công điện, thì quyết định cách ly 14 ngày phải tính từ ngày 29-3, chứ không phải căn cứ vào thời điểm bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12-3 để không quyết định cách ly", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Khẩn trương điều tra, làm rõ nguồn gốc lây nhiễm để dập dịch
Nhấn mạnh Hà Nội vẫn là địa bàn "nóng" nhất trên cả nước do nguồn gốc các ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn chưa được làm triệt để, các yếu tố liên quan đến bệnh viện này đã lan ra 13 quận, huyện của Hà Nội và 7 tỉnh, thành phố khác, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục khẩn trương điều tra, xác minh, khoanh vùng triệt để tất cả các trường hợp liên quan. Những trường hợp tiếp xúc gần với nguồn lây nhiễm cần được xét nghiệm ngay. Người dân có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai cần chủ động khai báo, cung cấp thông tin để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
"Các cơ quan, đơn vị chức năng tuyệt đối không bỏ sót các trường hợp có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Chỉ cần bỏ sót một trường hợp tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, hậu quả để lại sẽ rất lớn", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Liên quan đến ca bệnh số 243, Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho Chủ tịch UBND xã Mê Linh tiến hành phong tỏa thôn Hạ Lôi. Các cơ quan chức năng của huyện Mê Linh và xã Mê Linh có trách nhiệm tổ chức phong tỏa theo quy định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố có trách nhiệm lấy mẫu xét nghiệm ngay đối với các trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh này; hướng dẫn cách ly, theo dõi sức khỏe đối với trường hợp F2. Trong thời gian phong tỏa, các cơ quan chức năng sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân thôn Hạ Lôi. Vì thế, 457 hộ gia đình với gần 2.000 nhân khẩu thôn Hạ Lôi có thể yên tâm "nhà nào ở yên nhà đó".
Nhìn lại diễn biến của dịch Covid-19 thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, những trường hợp ủ bệnh càng lâu càng lây nhiễm cho nhiều người, mức độ nguy hiểm lớn, nên các cơ quan chức năng và mỗi người dân tuyệt đối không được chủ quan. Trong đó, giải pháp tối ưu để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng là thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Việc khoanh vùng, xác định các đối tượng có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm phải được làm thật tỉ mỉ, xét nghiệm tất cả các đối tượng có nguy cơ cao.
Nhằm nâng cao hiệu quả khoanh vùng, dập dịch, Chủ tịch UBND thành phố giao ngành Y tế Thủ đô phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai và các đơn vị chức năng tiếp tục nghiên cứu, phân tích rõ các nguồn lây nhiễm liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt là lịch trình của các ca dương tính tiếp xúc với nguồn lây nhiễm tại bệnh viện này, từ đó xây dựng sơ đồ lây lan và công bố công khai.
Theo Chủ tịch UBND thành phố, trận tuyến phòng, chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong thời gian qua còn bộc lộ sơ hở. Để khắc phục, ngành Y tế cần chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác lấy mẫu, xét nghiệm; xây dựng lại các kịch bản ứng phó. Toàn ngành phải họp bàn, tập huấn quy trình, trang bị kiến thức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế để chủ động ứng phó với dịch. Các cơ sở y tế bố trí lối đi riêng, khu vực khám riêng cho các bệnh nhân có biểu hiện mắc Covid-19; đồng thời tổ chức khai báo y tế, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, nhất là những người có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Trong quá trình tiếp xúc với người bệnh, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ cần trang bị các phương tiện phòng hộ. Đặc biệt, tất cả cơ sở y tế trên địa bàn cần quán triệt tinh thần không tổ chức cho người nhà vào thăm bệnh nhân, mỗi bệnh nhân chỉ có một người chăm sóc.
Nhìn lại diễn biến của dịch Covid-19 thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố đánh giá, sở dĩ Hà Nội cũng như các địa phương khác kiểm soát, khống chế được dịch là do chúng ta thực hiện giãn cách xã hội sớm, hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người. Dân số của Hà Nội gần bằng dân số của các thành phố lớn trên thế giới, song nhờ cách ly xã hội sớm hơn, nên hạn chế được các nguy cơ lây lan.
"Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng và mỗi người dân Thủ đô đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, kéo dài, cả hệ thống chính trị cần hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. Có như vậy, chúng ta mới khoanh vùng được ổ dịch từ khi còn là đám cháy nhỏ, không để bùng thành ổ dịch lớn", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.