Cùng đồng hành, cùng phát triển

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 08/04/2020

(HNM) - Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội và các địa phương trong cả nước thực hiện việc “giãn cách xã hội”, đã tiếp tục gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp cũng như việc cung ứng nông sản, thực phẩm. Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và toàn ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chuyển hướng sản xuất, kinh doanh để thích ứng với bối cảnh mới.

Trong những ngày vừa qua, rất nhiều giải pháp đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã kết hợp triển khai nhằm đưa nông sản thực phẩm đến tay người tiêu dùng Hà Nội. Điển hình có thể kể đến như: Tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại các khu dân cư, khu chung cư; các hợp tác xã liên kết với các chuỗi cung ứng để tiêu thụ nông sản...

Với sự linh hoạt, năng động của mình, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã thích ứng được với bối cảnh người dân hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc, mang lại nhiều lợi ích cho đời sống xã hội. Cụ thể là duy trì được sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp của Thủ đô phát triển, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng những “pháo đài” phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, doanh nghiệp đã tiếp cận được những mặt hàng bảo đảm chất lượng để đưa đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để ổn định nguồn cung nông sản cho thị trường Hà Nội trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay cũng như về dài hạn, các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để đồng hành cùng nông dân vượt qua thách thức, hướng đến phát triển bền vững. 

Trước hết, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong ngành Nông nghiệp cần tiếp tục triển khai những phương án bán hàng phù hợp với điều kiện “giãn cách xã hội” để phục vụ người tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết với các hợp tác xã và người nông dân để hình thành chuỗi sản xuất, kinh doanh khép kín, ổn định nguồn cung nông sản, thực phẩm, đặc biệt là rau quả, thịt an toàn.

Ở góc độ các cơ quan chức năng của thành phố, đặc biệt là ngành Nông nghiệp Hà Nội cần thích ứng nhanh với bối cảnh mới. Trước mắt là tăng cường rà soát tình hình sản xuất, nắm bắt sát sao thông tin thị trường để có những định hướng sản xuất cụ thể cho người nông dân. Cùng với đó, có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế để ổn định, duy trì nhịp độ sản xuất, tăng cường nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường cũng như có những hỗ trợ phù hợp cho người nông dân về nguồn giống, kỹ thuật... Giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại cũng cần được quan tâm và phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, bảo đảm hiệu quả thực chất.

Về nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tín dụng cần xem xét, có các giải pháp giãn nợ, hoãn các khoản nợ phải trả, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các hợp tác xã có nhu cầu về vốn. Về lâu dài, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân có thể tiếp cận được nguồn vốn một cách dễ dàng, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh việc hỗ trợ từ các địa phương, thì bản thân người nông dân phải vừa làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, mỗi người cần tích cực hơn nữa, trợ giúp lẫn nhau, tăng cường trách nhiệm cộng đồng để tạo ra những sản phẩm an toàn cho thị trường, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Đây là mục tiêu phải thực hiện cho cả trước mắt và lâu dài để vừa cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh, vừa hướng tới nền sản xuất, kinh doanh nông sản bền vững.

Có sự đồng hành của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, có sự chung sức của người nông dân, chúng ta sẽ vượt qua được thách thức hiện tại, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm an toàn cho thị trường Thủ đô.

Thế Văn