Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ

Kinh tế - Ngày đăng : 20:52, 08/04/2020

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 479/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một góc thành phố Hạ Long.

Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích tự nhiên trên đất liền 6.178,8km2 và diện tích mặt biển trên 6.000km2 (do tỉnh quản lý) của tỉnh Quảng Ninh, với phạm vi 13 đơn vị hành chính: 4 thành phố (Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí); 2 thị xã (Quảng Yên, Đông Triều) và 7 huyện (Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô).

Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh phải thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản; tư duy về phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, từ đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về hành động của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về mô hình và phương thức phát triển đặc sắc của Quảng Ninh, nhất là quá trình chuyển đổi mô hình từ “nâu” sang “xanh” đang mang lại hiệu quả to lớn, rõ nét. Tiếp tục nghiên cứu quan điểm phát triển không gian của tỉnh theo hướng “Một tâm - Hai tuyến - Đa chiều” với “Hai mũi đột phá” là khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; khu kinh tế Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây... phù hợp với chiến lược, quy hoạch.

Về nội dung quy hoạch, các nội dung chính của quy hoạch tỉnh Quảng Ninh phải bảo đảm các yêu cầu theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7-5-2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm: Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh (gồm các điều kiện tự nhiên, xã hội; bối cảnh bên ngoài; tổng hợp các cơ hội, thách thức); đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn (gồm thực trạng phát triển kinh tế, xã hội; công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh; tổ chức không gian và phát triển hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức).

Quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển (gồm quan điểm phát triển; xây dựng kịch bản và phương án phát triển; mục tiêu phát triển; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá).

Bên cạnh đó là các phương án: Phát triển các ngành quan trọng (gồm các ngành công nghiệp; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản; các lĩnh vực văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh); tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội; tổ chức hệ thống đô thị, nông thôn và kết cấu hạ tầng; phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên…

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm phù hợp quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình lập quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch được quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16-8-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện lập quy hoạch.

Theo Chinhphu.vn