Xây dựng những tế bào nền tảng

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:18, 09/04/2020

(HNM) - Không thể phủ nhận những quy định về phòng, chống dịch Covid-19 đang gây ra những xáo trộn nhất định với mỗi người, mỗi nhà. Song, bên cạnh sự bất tiện đó thì đổi lại, mỗi gia đình cũng có khoảng thời gian nhiều hơn để củng cố, bồi đắp những giá trị về tổ ấm - vốn lâu nay như bị lãng quên trong dòng chảy tất bật của cuộc sống.

Bước vào "giai đoạn vàng" trong phòng, chống dịch, phần lớn người dân cả nước nói chung và người dân thành phố nói riêng đã nghiêm túc thực hiện cách ly xã hội. Đây là việc làm chưa có tiền lệ, nên không ít người, không ít gia đình cảm thấy trống trải khi không được ra khỏi nhà, không được tụ họp bạn bè, họ hàng. Đường phố vắng lặng; trường học, nhà hàng, quán ăn, điểm vui chơi đóng cửa... Lúc này, nơi mỗi người thấy ấm áp, đông vui nhất chính là tổ ấm gia đình.

Trong "khoảng lặng" này, gia đình đã phát huy được sức mạnh truyền thống khi thực sự gắn kết các thành viên. Dường như mỗi người lo lắng, nhắc nhở nhau nhiều hơn về cách phòng, chống dịch. Những lo toan trong cuộc sống đã được sẻ chia, những căng thẳng dần vợi bớt bởi sự gần gũi; bữa cơm của nhiều gia đình đã không còn sự khuyết thiếu, mà là sự tròn đầy của niềm vui sum họp. 

Không được ra khỏi nhà là “bất khả kháng”, nhưng thực sự đây là quãng thời gian để mỗi người “sống chậm”, nhìn lại bản thân và hơn hết là khơi dậy, lan tỏa được ý thức, trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.

Cuộc chiến chống "giặc" Covid-19 còn khó khăn, vì vậy, trước hết mỗi người dân, mỗi gia đình cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ "chiến sĩ" trên mặt trận này. Để từ đó, mỗi gia đình sẽ trở thành một "pháo đài" chống dịch... Thiết thực nhất lúc này, mỗi gia đình hãy thực hiện tốt các giải pháp mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như ngành Văn hóa Hà Nội vừa đề ra như tìm cách khơi dậy, lan tỏa ý thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19. Đó là thực hiện tốt nếp sống văn hóa nói chung, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố nói riêng; thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội khi tạm dừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người...

Làm tốt những việc trên là thực hiện đúng các biện pháp phòng, chống dịch mà Trung ương và thành phố Hà Nội đã nêu trong những chỉ thị gần đây về các biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19. Đặc biệt, về công tác cách ly xã hội, mọi người, mọi nhà tiếp tục khắc phục khó khăn để việc cách ly trong cộng đồng hiệu quả. Bản thân mỗi người cần trở thành những “tuyên truyền viên” trong mỗi gia đình và cộng đồng. Trong đó, người lớn phải trở thành tấm gương cho con trẻ noi theo; quan tâm, chăm sóc tốt hơn đến người già; cung cấp những thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh để mọi thành viên trong gia đình cùng hiểu, không hoang mang, cũng không chủ quan, lơ là…

Trong thời gian này, mỗi gia đình cần nhân lên những hành động chung tay với cộng đồng thực hiện phòng, chống dịch. Khi mỗi cá nhân có hành động đẹp, chắc chắn sẽ xây lên những tổ ấm vững chãi, trở thành những "tế bào" nền tảng phát triển xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Ở góc độ các cấp, ngành chức năng, đây là thời điểm cần đẩy mạnh tuyên truyền để phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, thực hiện nếp sống văn hóa, gắn với phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Trong đó, riêng với Thủ đô là tiếp tục đưa Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố đi vào đời sống một cách thiết thực; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… Đồng thời, cần nhân rộng các mô hình hay để góp phần tô đẹp, vun đắp nếp sống gia đình văn minh.

Khi ấy, không chỉ trong phòng, chống dịch Covid-19 mà trong mọi hoạt động xã hội, gia đình sẽ luôn phát huy được sức mạnh giá trị văn hóa của mình. 

Bắc Vũ