Những lá chắn miền biên cương
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:32, 09/04/2020
Mệnh lệnh từ trái tim
Biên giới Nghệ An thời gian này ngày mưa, đêm sương mù dày đặc, trời lạnh. Chốt chặn trên đường mòn khu vực bản Huồi Mới, xã Tri Lễ của Đồn Biên phòng Tri Lễ, huyện Tương Dương (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) xa nguồn nước, không có điện. Đại úy Già Bá Thà, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Tri Lễ cùng đồng đội chỉ có thể sử dụng đèn pin, đèn dầu thắp sáng và lửa để sưởi ấm. Vì nhiệm vụ chống dịch Covid-19, anh xung phong ở lại đơn vị từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay. Ở quê nhà, vợ anh bụng mang dạ chửa nhưng vẫn phải chăm thêm con gái 4 tuổi và bố mẹ già đã ở độ tuổi ngoài 70. Nhận tin báo vợ sinh con trai ngày 27-3, anh mừng khấp khởi. Nơi biên cương xa xôi, sóng điện thoại chập chờn, thi thoảng anh mới liên lạc được với vợ con để vơi nỗi nhớ. Qua điện thoại, Đại úy Già Bá Thà chia sẻ: “Biết vợ lo cho mình nơi lạnh lẽo, xa xôi, nhưng tôi vẫn động viên để vợ yên tâm bởi đã là Bộ đội Cụ Hồ thì bất cứ lúc nào Tổ quốc cần cũng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ...”.
Cũng vì mệnh lệnh từ trái tim, ở lại làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19, Thượng úy Bùi Thế Trọng, Phó Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bắc Luân, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) đã 5 tháng chưa được về nhà. Giữa tháng 2, khi vợ anh "mẹ tròn, con vuông", những lo âu, thấp thỏm trong anh mới tan biến. “Tết Nguyên đán Canh Tý vừa rồi tôi ở lại đơn vị trực và dự định sau Tết sẽ cắt phép ở nhà chăm vợ sinh con. Thế nhưng, dịch Covid-19 xảy ra, tôi cùng nhiều cán bộ khác ở lại đơn vị “trực chiến” dồn sức chống dịch”, Thượng úy Bùi Thế Trọng cho hay. Anh bùi ngùi: "Thèm được bế con trong chốc lát, nhưng giờ cũng chỉ được nhìn con qua màn hình điện thoại. Khi con trai đầu lòng của tôi ra đời (năm 2017), tôi cũng đang công tác xa nhà"…
Cũng tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch Covid-19, trong hơn 3 tháng qua, Trung úy Nguyễn Đình Thông, Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Thạnh Trị (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An) cùng đồng đội đã góp phần “khóa” chặt biên giới trên địa bàn khu vực ấp 2 xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường. Ngày 2-4 vừa qua, trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Đình Thông nhận được tin bố qua đời vì bệnh ung thư tại quê nhà (tỉnh Hà Tĩnh). “Là con trai cả trong gia đình, tôi muốn được về nhìn mặt bố lần cuối, nhưng vì nhiệm vụ, tôi chỉ còn cách tiễn biệt bố từ xa”, Trung úy Nguyễn Đình Thông chia sẻ. Được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Thạnh Trị đã lập bàn thờ vong cha anh ngay tại chốt kiểm soát, nơi anh đang làm nhiệm vụ để anh và đồng đội thắp hương tiễn biệt người đã khuất.
Những người gác lại tình riêng...
Là lực lượng quan trọng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 nơi biên giới, những ngày tháng qua, với nhiều cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tại các địa phương, rừng đã là nhà, lều bạt dã chiến thành nơi nghỉ ngơi. Đặc biệt, từ khi Việt Nam áp dụng lệnh cấm nhập cảnh người nước ngoài vào Việt Nam thì công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên các tuyến biên giới càng được triển khai quyết liệt hơn bao giờ hết.
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chia sẻ, trên dọc tuyến biên giới đất liền, trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt nhưng các đơn vị đã tổ chức hàng nghìn tổ, đội với hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ ngày, đêm tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, không để dịch lây truyền. Bộ đội Biên phòng còn chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phòng, chống dịch hiệu quả. Hàng trăm cán bộ, học viên, chiến sĩ các nhà trường và các đơn vị tuyến biển đã chấp hành nghiêm mệnh lệnh điều động của Bộ Tư lệnh tăng cường cho các đơn vị trọng điểm trên tuyến biên giới tham gia phòng, chống dịch.
Thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã lệnh cho tất cả đồn, trạm trên tuyến biên giới của tỉnh tăng cường ứng trực 100% quân số. Nhiệm vụ là quan trọng, được đặt lên hàng đầu, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã gác lại tình riêng để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tháng 2 vừa qua, Thượng úy Trần Tiến Dương, quê ở huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình), cán bộ tổ công tác biên phòng Đại Vai, Đồn Biên phòng Bắc Sơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh) được tin mẹ đẻ cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai vì bệnh tiểu cầu cao nhưng anh không thể về chăm sóc mẹ.
Hay như theo kế hoạch, ngày 17-4 tới đây Trung úy Lê Đình Thành, nhân viên quân khí, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) sẽ tổ chức đám cưới. Ngày đã chọn, thiệp mời đã viết, ảnh cưới đã chụp, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý, anh về đơn vị công tác và hẹn vợ chưa cưới ngày về tổ chức lễ thành hôn. Thế nhưng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gạt tình riêng sang một bên, anh xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Chị Nguyễn Thị Giang, vợ chưa cưới của Trung úy Lê Đình Thành tâm sự: “Tôi là giáo viên Trường Tiểu học xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) nên rất thấu hiểu với hoàn cảnh của anh. Tôi mong anh cùng đồng đội yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao”.
Cũng với kế hoạch sẽ tổ chức đám cưới trong tháng 4 này, nhưng nhiều cán bộ, chiến sĩ đành nén lại tình riêng, ở lại đơn vị làm nhiệm vụ chống dịch. Đó là câu chuyện của Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Đua, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Phú Gia (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) dự kiến cưới vào ngày 12-4; Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Tiền Giang, Đồn Biên phòng Cửa Sót (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) dự kiến cưới ngày 24-4; Thượng úy Võ Anh Tiến, Phó Trạm trưởng Trạm Cửa khẩu quốc tế, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) dự kiến cưới vợ ngày 5-4…
Như những lá chắn miền biên cương, các chiến sĩ quân hàm xanh đang hy sinh thầm lặng, góp phần tạo nên vành đai sống nơi tuyến đầu chống dịch ở vùng biên giới...
Thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19, toàn lực lượng có 27 đồng chí hoãn việc tổ chức hôn lễ, 20 đồng chí vợ sinh con, 11 đồng chí gia đình có việc đột xuất như ốm đau, người thân mất… mà không về được.