Dự kiến thêm hình thức "thư khen" đối với học sinh tiểu học

Giáo dục - Ngày đăng : 14:53, 10/04/2020

(HNMO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, dự kiến áp dụng từ năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1 học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet

Theo dự thảo, công tác đánh giá học sinh tiếp tục được thực hiện trên tinh thần coi trọng việc động viên, khuyến khích học sinh cố gắng học tập, rèn luyện; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh. 

Việc đánh giá học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng tiếp tục được thực hiện theo quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ và tổng hợp đánh giá. Trong đó, đánh giá thường xuyên được thể hiện bằng lời hoặc viết nhận xét; đánh giá định kỳ thể hiện bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Giáo viên, học sinh và phụ huynh đều được tham gia vào đánh giá học sinh tiểu học. 

So với quy định hiện hành, dự thảo Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học điều chỉnh hệ thống tên các môn học, hoạt động giáo dục và nội dung từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi. Theo đó, học sinh sẽ được đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực thông qua những phẩm chất chủ yếu như yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực cốt lõi như tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo... 

Dự thảo bổ sung quy định về nội dung và phương pháp đánh giá, bảo đảm đúng thành phần theo lý thuyết khoa học về đánh giá, gồm: Phạm vi, đối tượng, nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp, kỹ thuật quá trình đánh giá. Quy định này giúp định hướng cho giáo viên các phương pháp, cách thức đánh giá học sinh phù hợp với lứa tuổi tiểu học và cụ thể hóa Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Trong quy định về khen thưởng học sinh, dự thảo bổ sung hình thức "thư khen". Cụ thể, cán bộ quản lý và giáo viên có thể gửi thư khen những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này nhằm động viên kịp thời học sinh, giúp học sinh có thêm động lực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin: Các quy định trong dự thảo không làm tăng khối lượng công việc của giáo viên và học sinh. Việc quy định cụ thể về phương pháp, kỹ thuật, quy trình đánh giá học sinh giúp giáo viên giảm được thời lượng dành cho việc đánh giá để tập trung vào quá trình giảng dạy.

Thống Nhất