Thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19
Chính trị - Ngày đăng : 15:22, 10/04/2020
Nhất trí ban hành một số biện pháp, chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân
Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành một số biện pháp, chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đề nghị các cơ quan Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, tài liệu theo quy định và việc công bố thông tin chặt chẽ hơn khi chưa xin ý kiến cấp có thẩm quyền, đồng thời cần lưu ý khi ban hành các biện pháp, chính sách này phải sớm dự báo để chủ động ứng phó với những khó khăn khác của đất nước ở tất cả các lĩnh vực.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các nguyên tắc hỗ trợ như Chính phủ trình để ban hành các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời lưu ý: Chỉ hỗ trợ cho đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19; bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công bằng, công khai, minh bạch; cùng chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, cộng đồng xã hội và người dân; bảo đảm khả năng đáp ứng nguồn lực của các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn, mưa đá, gió lốc…, không để xảy ra tình trạng ban hành chính sách nhưng không có nguồn lực để thực hiện.
Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ tác động của các biện pháp, chính sách được Chính phủ đề xuất, nhất là những tác động liên quan đến thu, chi ngân sách nhà nước, các nguồn lực khác của Nhà nước; tác động về kinh tế - xã hội. Cân đối nguồn lực để thực hiện theo thứ tự: Sử dụng dự phòng ngân sách trung ương và địa phương, quỹ dự trữ tài chính, nguồn tăng thu và tiết kiệm chi, nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương còn dư (sau khi đã bảo đảm đủ nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương) và các nguồn hợp pháp khác. Trong trường hợp, sau khi sử dụng tất cả các nguồn trên mà còn khó khăn thì mới trình Quốc hội điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Việc quyết định sử dụng nguồn lực để hỗ trợ phải bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Hỗ trợ trực tiếp 5 nhóm đối tượng theo đề nghị của Chính phủ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất về 5 nhóm đối tượng hỗ trợ trực tiếp và mức hỗ trợ như Chính phủ trình, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách theo hướng bảo đảm nguyên tắc đã nêu.
Đồng thời, quy định tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định đối tượng thụ hưởng và mức hỗ trợ nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch, khả thi, tránh lợi dụng chính sách và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Xem xét để có thể giao địa phương tự tính toán, bảo đảm tự cân đối theo khả năng của địa phương để hỗ trợ cho các đối tượng là hộ cận nghèo, lao động không có quan hệ lao động, không có hợp đồng lao động để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, cần lưu ý quy định chặt chẽ các điều kiện hỗ trợ đối với người lao động không có quan hệ lao động, không có hợp đồng lao động để bảo đảm phù hợp với khả năng thực tế của ngân sách nhà nước.
Cân nhắc việc cho vay không có tài sản đảm bảo, cần quy định chặt chẽ trên cơ sở Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng để hạn chế thấp nhất rủi ro.
Bảo đảm việc hỗ trợ không trùng lặp cho đối tượng thụ hưởng (bao gồm cả chính sách đang thực hiện của địa phương nếu có) với nguyên tắc chỉ hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng, trường hợp kéo dài hơn, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi quyết định. Bảo đảm quy mô tổng mức hỗ trợ không vượt quá mức dự kiến mà Chính phủ đã trình.
Trình Quốc hội xem xét toàn diện, tổng thể những chính sách liên quan theo đúng thẩm quyền
Về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thực hiện đúng Điều 88 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đối tượng được áp dụng chính sách này là người sử dụng lao động, người lao động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng phải bảo đảm cân đối quỹ và khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Về việc hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, giải pháp này chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay do đang thực hiện cách ly xã hội, đề nghị không triển khai thực hiện.
Về việc cho phép người sử dụng lao động và người lao động tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng và sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, nội dung này do không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên cần báo cáo Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội để tiếp thu ý kiến tại phiên họp này, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, đúng đối tượng, công bằng, công khai, minh bạch, khả thi, đúng pháp luật. Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chặt chẽ Nghị quyết này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu cần thiết thì Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Đề nghị Chính phủ trình phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2019, trong đó có nội dung hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại phiên họp tháng 4-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ chín những vấn đề vượt thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để Quốc hội xem xét một cách toàn diện, tổng thể kể cả những chính sách liên quan (nếu có).