Cần hỗ trợ kịp thời
Giáo dục - Ngày đăng : 06:49, 11/04/2020
Nhiều giáo viên gặp khó khăn
Tính đến thời điểm này, các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đã nghỉ học được 10 tuần và vẫn chưa xác định thời gian có thể hoạt động bình thường trở lại. Mặc dù học sinh nghỉ học, nhưng hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường vẫn phải triển khai song song hai nhiệm vụ chính: Vừa tổ chức dạy học từ xa, vừa vệ sinh, khử khuẩn, chuẩn bị các điều kiện an toàn để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại học tập vào thời điểm phù hợp. Theo ghi nhận, tại các trường công lập, đa phần cán bộ, giáo viên, nhân viên không có nhiều trở ngại, bởi dù ngừng hoạt động, song các thầy, cô giáo vẫn được hưởng lương. Khó khăn tập trung ở khối các trường, nhóm lớp ngoài công lập, bởi nguồn thu chủ yếu là từ học phí.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) cho biết, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng hai tháng qua, nhà trường vẫn trích quỹ dự phòng để duy trì vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên, trang bị các điều kiện để phòng, chống dịch Covid-19 và chi trả lương, các chế độ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng thực hiện được như vậy. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ, giáo viên mầm non là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trên địa bàn quận hiện có hơn 500 giáo viên ở 15 trường mầm non và 79 nhóm lớp mầm non ngoài công lập. Qua thống kê sơ bộ, các cơ sở chỉ có thể hỗ trợ khoảng 50% lương cho những giáo viên cốt cán, còn lại đều phải tự bươn chải.
Trường Mầm non Bình Minh là một trong số 10 cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn huyện Phúc Thọ đang đối mặt với không ít khó khăn. Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh Nguyễn Quang Chiến cho biết, hiện nhà trường cũng chỉ ưu tiên hỗ trợ được một phần cho các giáo viên đang có thai.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện có 279 trong tổng số 529 trường mầm non và phổ thông ngoài công lập (chiếm 52%) đang thực hiện hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên với các mức từ 50% đến 100% lương, nhiều đơn vị rất khó khăn nên không thể hỗ trợ. Phần lớn cán bộ, giáo viên, nhân viên trong tổng số hơn 45.000 người đang công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng về đời sống do thu nhập không bảo đảm.
Nhiều đề xuất để tháo gỡ
Mới đây, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã hỗ trợ cho 75 giáo viên trường ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời đang tiếp tục rà soát trong toàn ngành để có sự quan tâm kịp thời. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19, đòi hỏi các nhà trường bên cạnh việc tiếp tục tăng cường năng lực tự chủ, rất cần sự hỗ trợ kịp thời và đồng bộ từ phía cơ quan quản lý.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học phổ thông Kinh Đô và Trường Trung học phổ thông Ngô Tất Tố (huyện Đông Anh) Hoàng Hữu Niềm cho biết: Hiện tại, đơn vị vẫn cố gắng xoay xở để trả đủ lương và đóng bảo hiểm xã hội cho đội ngũ giáo viên cơ bản, song về lâu dài sẽ khó khăn. “Để bảo đảm sự ổn định bền vững của hệ thống các trường ngoài công lập, cơ quan quản lý cần xem xét cho học sinh học trường ngoài công lập được hưởng định mức bình quân như với học sinh các trường công lập. Đây là một cơ chế cần thiết đối với các trường ngoài công lập để bảo đảm chất lượng giáo dục”, ông Hoàng Hữu Niềm đề xuất.
Còn theo cô giáo Hoàng Thị Hương Duyên (Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, quận Ba Đình), hiện có khoảng 30 giáo viên (chiếm 50% tổng số giáo viên của trường) gần như không có thu nhập hằng tháng, song vẫn duy trì nghiêm túc việc dạy học trực tuyến mà không thu bất cứ khoản nào của học sinh. Do vậy, các giáo viên đều mong muốn được hỗ trợ để bảo đảm ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Cùng chung khó khăn như nhiều trường ngoài công lập khác, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Quang Chiến cho rằng, trước mắt, các cơ sở giáo dục ngoài công lập cần sớm được tạo điều kiện vay ưu đãi với lãi suất 0% để chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, chi phí vận hành…, thì mới bảo toàn được nhân lực và các điều kiện khác đến khi dịch bệnh được kiểm soát thì tiếp tục tổ chức dạy học.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Sở đã có báo cáo gửi lãnh đạo thành phố về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến đời sống, thu nhập của cán bộ, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập và đề xuất giải pháp tháo gỡ. Theo đó, Sở đề xuất thành phố hỗ trợ giáo viên được hưởng lương cơ bản, được miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Sở cũng đề xuất thành phố miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý I và quý II năm 2020 đối với các trường học...
“Sự hỗ trợ kịp thời của thành phố sẽ là động lực để các nhà trường ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, quyết tâm dạy tốt, học tốt”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng bày tỏ.