Quyết tâm hoàn thành chương trình giáo dục trước ngày 15-7

Giáo dục - Ngày đăng : 20:19, 11/04/2020

(HNMO) - Theo kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh lần thứ 2, thời gian kết thúc năm học sẽ vào trước ngày 15-7, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến 11-8.

Với quyết tâm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", ngành giáo dục Hà Nội và các nhà trường đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà hiệu quả, quyết tâm hoàn thành chương trình theo kế hoạch thời gian năm học và chuẩn bị tốt cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng kế hoạch dạy học qua truyền hình đến ngày 15-7-2020, bảo đảm hoàn thành kế hoạch thời gian năm học. (Nguồn: Internet)

Điều chỉnh bám sát thực tế 

Ngày 13-3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký Công văn số 803/BGDĐT-GDTrH về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 lần thứ hai. Theo đó, thời gian kết thúc năm học là vào trước ngày 15-7, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11-8. So với các năm học trước, các mốc thời gian này đều được điều chỉnh lùi lại một tháng rưỡi. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường vận dụng các hình thức hỗ trợ học tập từ xa cho học sinh trong thời gian các em nghỉ học. Các quy định cụ thể về việc dạy học qua internet, trên truyền hình được ban hành, làm căn cứ cho các đơn vị triển khai.

Với mục tiêu giảm áp lực cho học sinh, đồng thời bảo đảm tiến độ, chất lượng của việc dạy học từ xa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức rà soát, tinh giản nội dung chương trình giáo dục cho toàn bộ học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 12, đồng thời ban hành bộ đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020. 

Tại Hà Nội, căn cứ theo các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực chỉ đạo, hỗ trợ và đồng hành với các nhà trường hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. 

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) cho biết, trong những ngày nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh có thể học tập bằng nhiều hình thức. Ngoài việc học theo hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study, nhà trường đã chủ động triển khai dạy học qua mạng internet cho tất cả học sinh. 

Em Trần Mạnh Duy, học sinh Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức A (huyện Mỹ Đức) cho hay: "Từ ngày 9-3 tới nay, chúng em được học trên truyền hình với 9 môn học. Hầu hết các bạn đều hào hứng với cách học này bởi không phải nhà nào cũng có thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin để học tập qua mạng internet. Ngoài ra, chúng em còn được các thầy, cô giáo giao bài tập thông qua tin nhắn sổ liên lạc điện tử hoặc qua nhóm zalo, viber của bố mẹ". 

Nỗ lực đạt mục tiêu 

Liên quan đến việc thực hiện kế hoạch thời gian năm học 2019-2020, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng, nếu học sinh có thể đi học trở lại vào ngày 30-5, chậm nhất là vào ngày 15-6, thì trong vòng 4 tuần (từ ngày 15-6 đến ngày 15-7-2020), học sinh sẽ được học, ôn tập và kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ cuối năm, bảo đảm kết thúc năm học vào ngày 15-7-2020 như kế hoạch. Học sinh lớp 12 có 3 tuần để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020. Trong trường hợp học sinh đi học sau ngày 15-6 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Quốc hội xem xét phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia phù hợp hơn. 

Quyết tâm khắc phục khó khăn để tổ chức dạy học, giúp học sinh đạt được các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và bảo đảm tiến độ kế hoạch thời gian năm học là mục tiêu của các trường học trên địa bàn Hà Nội. Sau khi có văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn các nội dung tinh giản và đề thi tham khảo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, các nhà trường đã tổ chức họp, xây dựng kế hoạch dạy học, ôn luyện cho học sinh. 

Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (quận Cầu Giấy) thông tin: "Sau các giờ học trên truyền hình, vào các buổi chiều hằng ngày, học sinh được học qua mạng internet do giáo viên các bộ môn tổ chức. Ngoài việc hệ thống lại kiến thức của các bài học đã được dạy trên truyền hình, giáo viên có nhiệm vụ giao bài tập, giải đáp các khúc mắc của học sinh và nhận xét, đánh giá kết quả học tập của các em. Với cách thức và tiến độ tổ chức dạy học như hiện nay, nhà trường có thể hoàn thành chương trình học theo quy định". 

Là một trường có điểm "đầu vào" thấp, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì) đã chủ động hỗ trợ học sinh học tập tại nhà bằng nhiều cách ngay từ những ngày đầu khi học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch, trong đó có cả việc gửi bài tập về nhà cho học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Quang khẳng định, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, nhà trường vẫn cố gắng dạy tốt, học tốt. Mỗi tuần, nhà trường đều họp tổ chuyên môn, xây dựng kế hoạch dạy học, củng cố kiến thức cho học sinh theo từng tuần. Những học sinh có điều kiện có thể học qua mạng internet, số còn lại được giáo viên các bộ môn hỗ trợ bằng nhiều hình thức phù hợp.

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, để bảo đảm tiến độ theo kế hoạch thời gian năm học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, Sở yêu cầu các nhà trường tiếp tục tăng cường nhiều hình thức hỗ trợ học sinh học tập phù hợp với điều kiện thực tế. Sở cũng đã xây dựng kế hoạch dạy học trên truyền hình cho học sinh đến ngày 15-7-2020, đồng thời nâng cấp phần mềm học tập trực tuyến Hanoi Study để có thể theo dõi quá trình học tập và mức độ đạt được của học sinh, qua đó kịp thời có những điều chỉnh.

Khoảng thời gian từ ngày 13-4 đến 11-7-2020 sẽ còn 13 tuần. Nếu phối hợp giữa việc học trên truyền hình và qua mạng internet với tiến độ và cách thức như hiện nay, khối trung học phổ thông vẫn bảo đảm thời gian thực dạy là 37 tuần, đạt đúng tiến độ kết thúc năm học. 

Để bảo đảm chất lượng học, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các nhà trường rà soát điều kiện học tập của từng học sinh, có phương án xã hội hoá hoặc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để tài trợ, bán thiết bị giá rẻ hoặc cho thuê để có thêm nhiều học sinh được học tập qua mạng internet. 

Thống Nhất