“Tài nguyên” có, khó ở cách dùng

Giải trí - Ngày đăng : 09:28, 11/04/2020

(HNMCT) - Giải trí trực tuyến không chỉ chứng tỏ ưu thế tuyệt đối trong mùa dịch mà còn là xu hướng có tính thời đại. Thế nhưng, rất nhiều đơn vị nghệ thuật chưa thể tiếp cận hoặc khai thác có hiệu quả công cụ này khiến cho họ gần như vắng bóng trong đời sống giải trí giữa mùa dịch. Có lẽ đã đến lúc cần nhìn lại để đổi mới cách làm, nhằm tận dụng “tài nguyên” sẵn có trong thời đại 4.0.

Ca sĩ Mỹ Linh vừa thực hiện show diễn tại nhà trong chương trình Music Home.

Nghệ sĩ tự do chiếm ưu thế tuyệt đối

Điểm lại các sự kiện văn hóa nghệ thuật trong những ngày vừa qua, dễ thấy các nghệ sĩ tự do gần như chiếm ưu thế tuyệt đối trên hệ thống giải trí trực tuyến. Có rất nhiều sản phẩm âm nhạc, tiểu phẩm hài, vlog... về đề tài phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện bởi cá nhân hay nhóm nghệ sĩ hoạt động tự do được công chúng vô cùng yêu thích mà Hànộimới Cuối tuần đã đề cập nhiều lần.

Bên cạnh đề tài thời sự, nhiều nghệ sĩ vẫn duy trì hoạt động biểu diễn, tương tác với khán giả thông qua công nghệ. Ca sĩ Mỹ Linh cùng ban nhạc Anh Em vừa có buổi biểu diễn khá ấn tượng trong chương trình livestream Music Home tối 27-3 trên sóng Truyền hình FPT, chương trình nhằm đưa âm nhạc chất lượng cao đến phòng khách của mọi nhà qua internet. Do dịch Covid-19 nên đêm nhạc có chủ đề Song Book được Mỹ Linh và ban nhạc Anh Em thực hiện tại nhà riêng. Ê kíp chơi live những ca khúc theo yêu cầu của khán giả. Đây được xem là “đêm nhạc trực tuyến hát theo yêu cầu” lần đầu tiên tại Việt Nam. Nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm ngưng trệ cuộc sống của chúng ta, chúng tôi muốn có một đêm nhạc chiều lòng khán giả để họ có trải nghiệm thực sự khác biệt trong lúc ở nhà tránh dịch. Ở nhà và thưởng thức âm nhạc như tại nhà hát là điều thực sự cần thiết trong lúc này”.

Còn cách làm của ca sĩ Tuấn Hưng lại được coi như sáng kiến giúp nghệ sĩ thoát cảnh “ế show”. Đó là tổ chức liveshow trực tuyến có thu phí để phục vụ khán giả trong mùa dịch. Liveshow Đam mê được đầu tư công phu về âm thanh, hình ảnh, bảo đảm chất lượng khi phát trực tiếp trên Facebook của ca sĩ. Được biết, để theo dõi chương trình, mỗi khán giả trả phí 250.000 đồng. Chia sẻ về việc làm của mình, ca sĩ Tuấn Hưng cho biết: “Tất cả những gì mà tôi đang làm là để thỏa mãn đam mê. Bên cạnh đó, tôi muốn cùng bạn bè, những người nghệ sĩ có thu nhập trong mùa dịch, dù không nhiều. Covid-19 diễn ra phức tạp thì việc khán giả ở nhà và thưởng thức âm nhạc là hợp lý”.

Bài học về tận dụng tài nguyên

Trả lời câu hỏi: “Các đơn vị công lập liệu có thể tận dụng được lợi thế về công nghệ để giúp khán giả có thêm lựa chọn giải trí khi nghỉ cách ly?”, NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng: Trong khi các nghệ sĩ tự do đang làm rất tốt điều này thì các đoàn nghệ thuật công lập lại khó thực hiện bởi họ thường dàn dựng những chương trình lớn, có nhiều người tham gia nên không bảo đảm yêu cầu phòng dịch.

Tuy nhiên, ngay cả việc sử dụng lại các chương trình nghệ thuật chất lượng cao đã được các đơn vị nghệ thuật công lập dàn dựng trước đây để phát hành trên mạng internet cũng rất khó khăn. Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, đa số đơn vị đều không có kho tư liệu riêng nên không lưu trữ được các chương trình đã dàn dựng. Bên cạnh đó, kênh phát hành online của các đơn vị nghệ thuật hiện không có hoặc rất kém. Điều này khiến họ mất khả năng tiếp cận với khán giả online.

Mới đây, Viện Pháp tại Việt Nam (IFV) và Công ty phát hành phim BHD đã giới thiệu đến khán giả chương trình Tận hưởng điện ảnh Pháp tại nhà. Theo đó, từ ngày 1-4 đến ngày 30-4, khán giả có cơ hội được trải nghiệm miễn phí và không giới hạn 12 bộ phim nổi tiếng của Pháp, phụ đề tiếng Việt trên DANET (website danet.vn, hoặc ứng dụng DANET tại các hệ thống FPT Play và Truyền hình FPT) - hệ thống xem phim trực tuyến với bản quyền chính thức.

Chia sẻ về sự kiện này, đại diện Viện Pháp cho hay: “Sự kiện này giúp khán giả không cảm thấy nhàm chán vì cách ly xã hội, có thể khám phá những bộ phim điện ảnh Pháp thú vị. Chúng tôi đặt tên cho sự kiện này là “Respire” (có nghĩa là “hơi thở, hít thở”) với mong muốn đem lại cho khán giả một luồng gió mát lành, giúp mọi người có niềm vui khi ở nhà để bảo vệ an toàn cho người thân, cho gia đình và cho những người xung quanh”. Hoạt động này khiến những người quan tâm tới điện ảnh phải đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có thể làm được điều tương tự với những bộ phim Việt Nam, đặc biệt là số phim sản xuất từ ngân sách trước đây? Rõ ràng, nguồn phim rất lớn của Việt Nam cũng có thể “tiếp cận lại” với khán giả, nhất là trong những hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay nếu chúng ta có cách lưu trữ và kênh phát hành đủ tốt.

Theo đánh giá của NSND Nguyễn Quang Vinh, việc chưa tận dụng được nguồn “tài nguyên” có sẵn để phục vụ nhân dân trong những hoàn cảnh đặc biệt như hiện nay thực sự là một điều đáng tiếc, và cũng là một bài học kinh nghiệm quý giá. Sau khi dịch kết thúc, Cục sẽ cùng với các đơn vị nghệ thuật rút kinh nghiệm và lên phương án nhằm tận dụng tối đa lợi thế về công nghệ trong việc lưu trữ, phổ biến rộng rãi hơn những tác phẩm chất lượng cao đến công chúng.

An Định