Giữ "lửa" nghệ thuật luôn cháy

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:24, 12/04/2020

(HNM) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đều đã tạm hoãn hoặc dừng tổ chức. Cái khó ló cái khôn, với sự sáng tạo không ngừng, giới hoạt động nghệ thuật đã có nhiều cách riêng để giữ “lửa” đam mê luôn cháy sáng thích ứng với bối cảnh mới.

Nổi bật có thể thấy nhiều đơn vị đã nhanh nhạy vận dụng công nghệ 4.0 và nền tảng kỹ thuật số, chuyển từ hoạt động truyền thống sang trực tuyến nhằm mang đến cho công chúng cơ hội thưởng lãm nghệ thuật tại nhà. Còn giới nghệ sĩ cũng rất sáng tạo, chuyển sang hình thức biểu diễn trực tuyến hoặc đưa những tác phẩm mới lên mạng xã hội để đông đảo khán giả thưởng thức. Sự thích ứng này đã duy trì được cầu nối giữa khán giả và nghệ sĩ. Quan trọng hơn là giúp đông đảo công chúng có thêm các phương thức giải trí, sinh hoạt văn hóa tại nhà trong thời gian thực hiện cách ly xã hội.

Đáng kể hơn, những người hoạt động nghệ thuật chuyên và không chuyên đã sử dụng vũ khí sắc bén của mình sáng tạo nên những ca khúc, bản nhạc, lời thơ, bức tranh... để cổ vũ tinh thần toàn dân chiến đấu với "giặc Covid-19". Việc này đã thể hiện trách nhiệm, tình cảm của từng cá nhân, tạo nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng, góp phần truyền cảm hứng, cổ vũ cộng đồng cùng chung tay chiến thắng dịch Covid-19.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật luôn có sức lan tỏa mạnh mẽ, trong đó nghệ sĩ là những người có sức ảnh hưởng lớn đối với công chúng. Với tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay, hơn bao giờ hết, giới nghệ sĩ cần tiếp tục phát huy thế mạnh, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật giá trị đáp ứng yêu cầu trước mắt là tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; đồng thời phục vụ nhu cầu giải trí, góp phần bồi đắp, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Muốn vậy, giới văn nghệ sĩ phải luôn ý thức và định vị được các giá trị, sáng tạo những đề tài mới có ích cho đời sống cộng đồng và thu hút được đông đảo công chúng. Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, nội dung tác phẩm cần tạo ra nguồn năng lượng truyền cảm hứng tích cực, cổ vũ cái đúng, cái đẹp. Từ đó, vừa góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, vừa khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng để mỗi người dân là một "chiến sĩ" trên mặt trận chống dịch.

Cũng để tiếp cận được khán giả tốt hơn trước yêu cầu ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật, văn nghệ sĩ cần tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 và nền tảng kỹ thuật số để giới thiệu tác phẩm nghệ thuật trên internet, các trang mạng xã hội... Cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như khuyến khích sáng tạo tác phẩm mới để phục vụ nhân dân khi dịch Covid-19 được đẩy lùi.

Các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế động viên như tôn vinh văn nghệ sĩ, các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được công chúng yêu mến. Song song với đó là quản lý chặt chẽ theo quy định pháp luật các hoạt động phát hành tác phẩm trên không gian mạng. Làm sao để vừa khuyến khích được tác phẩm nghệ thuật chất lượng, đúng định hướng, vừa không để lọt những tác phẩm, chương trình... có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong xây dựng đất nước nói chung và phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng. Một vấn đề cũng cần lưu ý là kịp thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, ngăn chặn ngay thông tin sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19.

Trong lúc khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dù là phải tổ chức trực tuyến hay phát hành trên mạng internet nhưng vẫn tạo nguồn năng lượng rất tích cực để vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân, vừa khơi dậy tinh thần lạc quan đẩy lùi dịch bệnh.

Quỳnh Anh