Vì sao tiền điện tháng 3-2020 của khách hàng tăng cao?

Kinh tế - Ngày đăng : 09:49, 12/04/2020

(HNMO) - Nhiều khách hàng đã phản ánh kỳ hóa đơn tiền điện tháng 4-2020 tăng cao khoảng 20% - 30% so với mức sử dụng bình thường. Liên quan đến việc này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, có hai yếu tố khiến tiền điện sinh hoạt tăng.

Ảnh minh họa.

Yếu tố thứ nhất có tính quy luật thời tiết hằng năm. Ở nhiều khu vực, nhất là ở phía Nam, tháng 3 bắt đầu chuyển sang nắng nóng, khách hàng sử dụng nhiều thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện hơn.

Yếu tố thứ hai là năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân hạn chế ra đường, thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, việc sử dụng điện sinh hoạt tăng nhiều hơn bình quân hằng năm.

Thống kê của ngành điện, lượng điện sinh hoạt trên toàn quốc tháng 3-2020 tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thành phố Hà Nội tăng 17% và thành phố Hồ Chí Minh tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo EVN, dự báo trước tình hình hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng cao nên các tổng công ty điện lực đã chủ động thông tin lưu ý khách hàng để khách hàng kiểm tra việc sử dụng điện của mình; phúc tra chỉ số công tơ với 100% hóa đơn có mức tăng trên 30%, trước khi phát hành tới khách hàng; tăng cường tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của khách hàng qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng…

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2020, trong đó giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan triển khai việc giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, đến nay chưa có quyết định và hướng dẫn thực hiện của cơ quan có thẩm quyền nên ngành điện phát hành hóa đơn tiền điện theo các quy định hiện hành.

EVN cam kết triển khai ngay việc giảm giá điện khi có quyết định và hướng dẫn thực hiện từ các cơ quan chức năng.

Thanh Hải