Hà Nội đánh giá nguy cơ từ chợ hoa Mê Linh
Đời sống - Ngày đăng : 09:29, 13/04/2020
Tham dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương; Tổ công tác đặc biệt về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tăng cường cho ổ dịch Hạ Lôi; cùng lãnh đạo các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, các bệnh viện trực thuộc thành phố bằng hình thức họp trực tuyến.
Tăng cường khoanh vùng, kiểm soát ổ dịch thôn Hạ Lôi
Mở đầu cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh mục đích cuộc họp nhằm đánh giá kết quả thực hiện 14 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một địa bàn đặc biệt quan trọng, có nhiều diễn biến phức tạp là Thủ đô Hà Nội, phục vụ cho cuộc họp chiều nay của Thường trực Chính phủ.
Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt lưu ý các quận, huyện báo cáo về việc khoanh vùng, rà soát các trường hợp liên quan đến chợ hoa Mê Linh. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND thành phố, đây là nơi đang có nhiều nguy cơ lây lan dịch tại cộng đồng vì là nơi giao dịch hoa lớn cho các tỉnh, trong đó đáng chú ý là hoạt động đến và đi từ Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tỉnh Lào Cai và các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra. Chợ hoa liên quan đến 6 xóm của thôn Hạ Lôi với 100ha trồng hoa. Ngoài ra, chợ hoa này cũng cung cấp hoa cho nhiều nơi trên địa bàn thành phố, như cung cấp hoa cho các nhà tang lễ, các chợ hoa lẻ...
"Chợ hoa Mê Linh tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng vì việc buôn bán hoa diễn ra trên diện rộng. Vì thế, các đơn vị cần phải có đánh giá cụ thể hơn những nguy cơ từ chợ hoa này. Các địa phương cần rà soát và có báo cáo cụ thể số lượng người buôn bán tại chợ hoa này", đồng chí Nguyễn Đức Chung nêu rõ.
Báo cáo về việc khoanh vùng, xử lý các ổ dịch, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, với ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, hiện có tổng số 10 bệnh nhân mắc Covid-19. Cơ quan chức năng đã tiến hành khoanh vùng, thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ thôn Hạ Lôi kể từ ngày 8-4 đến hết ngày 5-5 (28 ngày). Đến nay, đã lấy mẫu xét nghiệm 466 trường hợp F1; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 10.013 người dân, hiện đã có 3.136 mẫu có kết quả, trong đó 1 mẫu dương tính, còn lại âm tính. Để tăng cường xử lý cho ổ dịch thôn Hạ Lôi, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng một đội phản ứng nhanh đã tăng cường hỗ trợ huyện Mê Linh trong suốt thời gian khoanh vùng.
Theo đánh giá của Sở Y tế, tình hình ổ dịch tại thôn Hạ Lôi rất phức tạp, nhiều trường hợp liên quan, vì vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng, dự báo trong thời gian tới có thể có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng.
Về việc xử lý phòng dịch tại Bệnh viện Thận Hà Nội, cơ quan chức năng đã thiết lập khu cách ly tại bệnh viện, khử khuẩn toàn bộ bệnh viện; triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và cách ly toàn bộ người bệnh và cán bộ y tế, nhân viên của bệnh viện.
Liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, ngày 11-4, UBND quận Đống Đa ban hành quyết định kết thúc cách ly y tế đối với bệnh viện kể từ 0h ngày 12-4. Các đơn vị đã rà soát được 26.947 trường hợp tại cộng đồng có liên quan đến ổ dịch này, xét nghiệm 24.405 người, kết quả có 16.638 người âm tính, 5 người dương tính, còn lại đang chờ kết quả.
Toàn thành phố hiện còn 1.036 người đang cách ly tại các khu cách ly tập trung; hơn 15.000 người cách ly theo dõi tại cộng đồng. Trong tuần qua, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 655 trường hợp F1, hiện còn cách ly 736 trường hợp F1.
Tiếp tục thực hiện cách ly xã hội một cách nghiêm túc, quyết liệt
Tại cuộc họp, các đơn vị, địa phương đều cho rằng, với tình hình dịch có nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng thì việc tiếp tục cách ly xã hội cần được thực hiện nghiêm túc, triệt để nhằm ngăn chặn nguồn lây nhiễm.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, đã lấy mẫu được khoảng 11.000 trường hợp, trong đó xét nghiệm được 6.140 mẫu, qua đó phát hiện trường hợp ca bệnh mới là bệnh nhân số 262.
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, bệnh nhân số 262 làm việc tại Yên Phong, Bắc Ninh, có lịch trình di chuyển phức tạp, hằng ngày đi làm tiếp xúc với nhiều người. Hiện, cơ quan chức năng đang chủ động tìm kiếm những người liên quan.
Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng đánh giá, hiện nay, nguy cơ lây lan trong cộng đồng khá rõ, bởi trong số các ca bệnh của Hà Nội, 68% trường hợp không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, chỉ thoáng qua. Vì thế, trong thời gian tới, nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch thì khả năng lây lan rộng ra cộng đồng rất cao. Từ đó, ông Nguyễn Nhật Cảm đề xuất, việc tiếp tục thực hiện cách ly xã hội lúc này là rất cần thiết và cần được làm triệt để, quyết liệt hơn.
"Dịch đã lây lan ra cộng đồng, dù mới ở phạm vi nhỏ, nhưng nếu không quyết liệt cách ly xã hội, người dân không ý thức được việc phải nghiêm túc cách ly xã hội thì nguy cơ lây lan rộng rất dễ xảy ra", ông Nguyễn Nhật Cảm nói.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá, Hà Nội đã làm rất tốt trong việc xử lý các ổ dịch, đặc biệt là đã chủ động, nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng, xử lý nhanh gọn, chính xác ổ dịch tại thôn Hạ Lôi. Việc tổ chức cách ly ngay lập tức thôn Hạ Lôi là việc làm đúng đắn, phù hợp với tình hình dịch tễ và địa bàn dân cư.
"Thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh đã vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Y tế. Đoàn công tác khi kiểm tra thực tế thấy rằng, công tác an sinh xã hội cho người dân tại đây được bảo đảm; lương thực, thực phẩm được cung cấp đầy đủ, phong phú. Đoàn công tác đánh giá cao sự chủ động, chuẩn bị của thành phố Hà Nội", PGS.TS Trần Như Dương nói.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Như Dương cũng đồng tình cho rằng, việc làm cấp thiết lúc này là phải thực hiện cách ly xã hội một cách quyết liệt, nghiêm túc.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đông Anh cho biết, đã thực hiện rà soát các trường hợp F1 liên quan đến các ca bệnh. Trong đó, quận Bắc Từ Liêm rà soát được 102 hộ liên quan đến chợ hoa Mê Linh; 21 bệnh nhân trên địa bàn chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội; huyện Đông Anh đã lấy mẫu xét nghiệm của 69 trường hợp, trong đó có 36 trường hợp cho kết quả âm tính, 33 trường hợp đang chờ kết quả. Liên quan đến chợ hoa tại thôn Hạ Lôi, huyện Đông Anh đã rà soát được 48 hộ là đại lý mua bán, cung cấp hoa, trong đó có 518 người từng đến thôn này.
Ngoài việc rà soát các trường hợp liên quan đến những ca bệnh, các địa phương cũng đã thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, xử phạt nhiều trường hợp vi phạm.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đề nghị, các địa phương, đơn vị, ngoài việc rà soát các trường hợp tiếp xúc, liên quan đến các ca bệnh thì cần lưu ý, quan tâm kiểm soát công nhân tại các khu công nghiệp, công trình xây dựng để tránh việc lây nhiễm dịch bệnh ở các khu này; đồng thời bảo đảm mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển sản xuất.
Người đến, đi từ thôn Hạ Lôi từ ngày 15-3 phải cách ly
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhận định, Hà Nội là địa phương có nhiều ca nhiễm nhất, có nhiều nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội phối hợp với các cơ quan y tế trung ương rà soát, xác định trường hợp F0 liên quan bệnh nhân số 237 để phục vụ công tác nghiên cứu, phòng ngừa sau này. Đồng thời, Sở Y tế cần có hình thức thống kê số liệu các ca bệnh của Hà Nội phù hợp. Tất cả trường hợp từ nước ngoài về đến sân bay Nội Bài nếu có lưu trú tại Hà Nội dù 1 tiếng mà có biểu hiện bệnh thì đều được tính là của Hà Nội.
Liên quan ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, trong 10 ca dương tính, nhiều trường hợp không có biểu hiện bệnh, vẫn đi làm bình thường, chỉ phát hiện khi xét nghiệm. Vì thế, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị, địa phương phải coi ổ dịch thôn Hạ Lôi như ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai. Tất cả người đi, về từ thôn Hạ Lôi phải coi là nguồn lây nhiễm.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị, địa phương phong tỏa toàn bộ thôn Hạ Lôi theo hình thức "nhà nào ở nhà nấy" như mô hình làm ở phố Trúc Bạch. Mỗi gia đình chỉ có 1 người ra ngoài lấy thực phẩm hằng ngày. Trường hợp nào cố tình vi phạm thì xử phạt nghiêm.
"Việc cách ly triệt để là cách ngăn chặn nguồn lây không bị bùng phát. Có như vậy, các ổ dịch như những "đám cháy" tự lụi tàn và tắt", đồng chí Nguyễn Đức Chung nói.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thành phố tập trung dập dịch tại thôn Hạ Lôi, trong đó, tập trung xác minh những người tiếp xúc với bệnh nhân số 243 và các ca dương tính khác. Các địa phương phải xác minh tất cả số người tiếp xúc, mua hoa tại chợ hoa Mê Linh; cán bộ, công nhân sinh sống tại đây nhưng làm việc ở các nơi khác; xác minh toàn bộ hơn 700 người đã từng ra, vào mua hoa, thăm thân, làm việc... tại thôn Hạ Lôi từ ngày 15-3 đến 10-4 để tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức.
Ngành Y tế phải tổ chức thông tin tới tất cả hiệu thuốc trên địa bàn yêu cầu các hiệu thuốc và phòng khám tư nhân phải tham gia công tác phòng, chống dịch. Trong giai đoạn này, 100% hiệu thuốc trên địa bàn thành phố phải yêu cầu khách hàng khai báo y tế khi mua thuốc ho, sốt… Đồng thời thông báo cho trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn để điều tra, theo dõi. Trong trường hợp cần thiết, trạm y tế phải đề nghị lấy mẫu xét nghiệm cho những người có biểu hiện này. Hiệu thuốc nào không thực hiện, để lại hậu quả nghiêm trọng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.
Đối với các phòng khám tư, bác sĩ tư nhân khi tiếp xúc với bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt… phải thông báo kịp thời đến các cơ quan chức năng, phối hợp để lấy mẫu xét nghiệm. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát hiện sớm, giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Tất cả các phòng khám tư, trạm y tế có bệnh nhân ho, sốt, khó thở phải lấy mẫu xét nghiệm, trong đó ưu tiên những người có yếu tố dịch tễ liên quan thôn Hạ Lôi (Mê Linh). Các trường hợp này phải được cách ly, theo dõi tại nhà. Với những chợ trên địa bàn các địa phương khác, như chợ hoa Quảng An tại quận Tây Hồ, địa phương phải phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thông báo những trường hợp có mua bán tại đây đi lấy mẫu xét nghiệm.
Sở Y tế phải khẩn trương xây dựng quy trình khám chữa bệnh, quản lý bệnh nhân phù hợp, tránh không để xảy ra trường hợp như Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội...
Ngoài ra, thời gian tới, Sở Y tế phải rà soát nguồn lực, kiểm tra các trang thiết bị y tế cơ sở sẵn có để lên danh sách những hạng mục cần bổ sung. Sở phải là đơn vị chủ trì việc mua các trang thiết bị y tế và cấp phát cho các bệnh viện và cơ sở y tế, tránh trường hợp phân bổ ngân sách để các bệnh viện tự mua. Tất cả các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch phải được quản lý, sử dụng, bảo quản theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội tiếp tục tổ chức, làm tốt công tác lấy mẫu, xét nghiệm; tổ chức xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR đúng quy trình, khi có kết quả phải báo cáo kịp thời cho Bộ Y tế. Thời gian tới, đơn vị này phải nâng cao hơn nữa năng lực lấy mẫu, phấn đấu lấy được 5.000 - 7.000 mẫu/ngày.
Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục phải kiểm tra, rà soát thời gian dự kiến kết thúc năm học 2019-2020; thời gian tuyển sinh lớp 1, lớp 6 và dự kiến tổ chức thi tốt nghiệp THPT, thi vào 10 và thi những môn gì, sớm công bố công khai để người dân biết. Sở cũng cần làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét công nhận kết quả các môn học trực tuyến nếu đạt chất lượng cũng như rà soát lại toàn bộ chương trình học để cắt giảm tiết học trên tinh thần vẫn phải bảo đảm chất lượng cho năm học...
"Tôi đề nghị tất cả các đồng chí chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn thực hiện đúng nội dung tinh thần chỉ đạo này. Các địa phương cần khuyến khích những người có biểu hiện sức khỏe không tốt tự động ở nhà, tự giác đi xét nghiệm. Với diễn biến dịch hiện nay, cách ly tốt, khoanh vùng tốt thì mới có thể dập được dịch", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.