Hợp tác ASEAN đẩy lùi Covid-19: Đoàn kết là sức mạnh!
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:02, 13/04/2020
Chống dịch là trách nhiệm chung của từng quốc gia, từng chính phủ và các cơ chế khu vực và toàn cầu. Tại Đông Nam Á và trên thế giới, chính phủ và người dân đang triển khai các hành động quyết liệt để chiến đấu chống lại kẻ thù chung này. Đặc biệt, các quốc gia thành viên ASEAN đã quan tâm hỗ trợ lẫn nhau và tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ tối đa công dân ASEAN ở nước mình. Điều đó cho thấy tinh thần đoàn kết và lớn hơn là sự hợp tác, phối hợp quốc tế là những thành tố thiết yếu hơn bao giờ hết.
Là tổ chức đóng vai trò trung tâm ở khu vực, ASEAN chính là mái nhà chung để các quốc gia thành viên cùng nhau vượt qua cơn bão đại dịch này. Trong lịch sử hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, sau mỗi khó khăn, thách thức và khủng hoảng, chúng ta lại mạnh mẽ hơn trước. Nay chính là thời điểm ASEAN tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó và thể hiện sứ mệnh của mình là làm chỗ dựa cho các quốc gia thành viên trong lúc gian nguy nhất.
Ngay từ đầu năm nay, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung của Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Sự bùng phát bất ngờ và những hệ lụy, đảo lộn mọi mặt chưa từng có tiền lệ của Covid-19 cho thấy chủ đề và phương châm đó thật đúng lúc và đích đáng hơn bao giờ hết.
Từ khi đại dịch bùng phát đến nay, Việt Nam đã cùng ASEAN thực sự thể hiện khả năng phản ứng mau lẹ, kịp thời với đại dịch cũng như năng lực gắn kết trong phối hợp chính sách và hành động giữa các thành viên. ASEAN đã sớm có Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với Covid-19 (ngày 14-2) và tiếp đó là một loạt những cuộc họp cấp Bộ trưởng quan trọng trên các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng… nhằm bảo đảm sự phối hợp đồng bộ trong phòng chống dịch. Đồng thời, ASEAN đã kịp thời tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác đối thoại như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế quan trọng như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, ứng phó hữu hiệu với dịch bệnh.
ASEAN không phải là một ốc đảo tự thân. Sức khỏe người dân và sức khỏe của nền kinh tế ASEAN gắn chặt với khu vực Đông Á và toàn cầu. Các nước trong khu vực chúng ta đều là những nơi chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng đã có những nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chiến chống dịch và đến nay đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu có thể chia sẻ với nhau. Tiêu biểu là việc phát hiện sớm, thực hiện cách ly và giãn cách xã hội, yêu cầu đeo khẩu trang đại trà, nâng cao ý thức và khuyến khích người dân cùng tham gia cuộc chiến chống dịch bệnh…
Cùng chung tay với nỗ lực hợp tác quốc tế gần đây trong ứng phó dịch Covid-19 ở nhiều diễn đàn khác nhau như G7, G20, Liên hợp quốc…, chúng ta tin tưởng vào tinh thần quốc tế mạnh mẽ hơn và gắn kết hơn từ các nỗ lực và sáng kiến của ASEAN. Trước mắt, ngày 14-4 tới, Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN đặc biệt và Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 đặc biệt (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về Covid-19. Các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.
Những trao đổi và kinh nghiệm của chúng ta thời gian qua cho thấy, ASEAN và các đối tác cần tập trung vào một số hướng giải pháp sau trong ứng phó và đẩy lùi Covid-19:
Thứ nhất, khẩn trương huy động các nguồn lực chung, đặc biệt là các kho vật tư y tế dự phòng chung của khu vực để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp; lập quỹ hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19 trên cơ sở tranh thủ các nguồn lực hiện có và sự hỗ trợ của các đối tác, trong đó có Liên hợp quốc và WHO.
Thứ hai, chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách và hành động, tập trung vào xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh; trước mắt là tổ chức diễn tập trực tuyến giữa các nước về ứng phó dịch bệnh.
Thứ ba, chống dịch cần đi đôi với chống suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội. Trong đó, người dân cần được đặt vào vị trí trung tâm; không để một quốc gia nào đơn lẻ trong cuộc chiến chống dịch và không một người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Thứ tư, xây dựng chiến lược về kết thúc dịch ở từng quốc gia và có sự phối hợp ở cấp độ khu vực nhằm vừa nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vừa sớm đưa đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trở lại quỹ đạo bình thường, ổn định.
Thứ năm, cùng nhau chia sẻ và kiên trì thực hiện các giá trị chung về tự do thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, không để các chuỗi cung ứng bị đứt quãng; sớm bình thường hóa các hoạt động giao thương và lưu chuyển xuyên biên giới khi đã kiểm soát được dịch… nhằm tận dụng mọi động lực để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao trùm và bền vững trong toàn khu vực.
Hơn bao giờ hết, chúng ta thấu hiểu tầm quan trọng của tư duy Cộng đồng và hành động Cộng đồng. Đó cũng là trách nhiệm chung và vai trò trung tâm của ASEAN trong đóng góp vào việc bảo đảm một thế giới và khu vực hậu đại dịch sẽ tiếp tục hội nhập, phát triển thịnh vượng và bền vững hơn.
Trong ba tháng qua, những nỗ lực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã thể hiện đúng tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng. Cùng với sự đoàn kết, gắn kết giữa các nước thành viên ASEAN và sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của các đối tác, Việt Nam tin tưởng rằng, con thuyền ASEAN sẽ cùng khu vực và thế giới vượt qua thử thách đại dịch này.
PHẠM BÌNH MINH
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao