Đồng bộ giải pháp vượt khó
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 14/04/2020
Dẫn một vài số liệu trên để thấy rằng, "bức tranh" sản xuất nông nghiệp Thủ đô đang có sự đan xen giữa các mảng sáng và tối. Trong bối cảnh hiện tại, khi mà dịch Covid 19 đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân cũng như toàn bộ nền kinh tế thì việc phục hồi tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng ngành Nông nghiệp Thủ đô khoảng 4,04% so với năm 2019 để giữ đà tăng trưởng chung của toàn thành phố là hết sức cần thiết, góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi ngành Nông nghiệp tiếp tục phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để vượt lên khó khăn, thích ứng với điều kiện mới nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng năm 2020 cũng như phát triển lâu dài.
Trước hết là tập trung phát triển sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tái đàn, tăng đàn lợn lên mức 1,8 triệu con. Để thực hiện mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp cần khẩn trương tìm ra lời giải cho bài toán về chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi… cùng với đó là gắn tái đàn với việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn, cơ sở chăn nuôi an toàn tại các địa phương, bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Cùng với đó là mở rộng diện tích rau an toàn, tăng cường các giải pháp đưa rau an toàn vào các cửa hàng tiện ích, tổ chức các điểm bán tại khu dân cư; đồng thời đẩy mạnh hoạt động cũng như xây dựng thêm các chuỗi, các mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, bảo đảm cung cấp rau, củ quả cho thị trường. Mặt khác, cần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh quy mô sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, góp phần bù đắp cho việc diện tích các loại cây trồng truyền thống đang có dấu hiệu sụt giảm.
Trong tiến trình đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung hướng dẫn nông dân xây dựng phương án sản xuất, kết nối các nhà khoa học và doanh nghiệp. Song song đó là tập trung xây dựng các hệ thống giống cây trồng, vật nuôi, có năng suất, chất lượng cao cũng như phát triển công tác lai tạo, sản xuất giống… Từ đó tạo bước chuyển mới về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nền tảng công nghệ 4.0, cũng như các giải pháp phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tiêu thụ nông sản… thì việc hỗ trợ cho nông dân yên tâm thúc đẩy sản xuất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do vậy, sự phối hợp với cơ quan chức năng của thành phố, đẩy mạnh khai thác nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT trợ giúp người nông dân cũng đóng vai trò quan trọng...
Với đặc thù riêng, ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành của Trung ương để tháo gỡ vấn đề quỹ đất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó là những giải pháp về thị trường với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã… Ngoài ra, để tạo được sức cạnh tranh thì việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cần được chú trọng trong lộ trình tái cơ cấu…
Để vượt qua khó khăn, ngành Nông nghiệp cần đồng bộ triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ với quyết tâm cao, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng khoảng 4,04% so với năm 2019, đặc biệt là nâng cao năng suất, tạo bước chuyển về chất lượng sản phẩm công nghệ cao, để hướng tới sự phát triển bền vững.