Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Kiên trì mục tiêu tăng trưởng 4,04%

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:19, 14/04/2020

(HNM) - Kết thúc quý I-2020, trong khi các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đều tăng trưởng thì sản xuất nông nghiệp Thủ đô lại giảm 1,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm khôi phục và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đạt tăng trưởng khoảng 4,04% so với năm 2019.

Hà Nội đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 4,04% trong năm 2020. Trong ảnh: Công nhân thu hoạch trứng gà tại một trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt

Nhận diện nguyên nhân

- Thưa ông, sản xuất nông nghiệp Thủ đô quý I năm nay sụt giảm 1,17% so với cùng kỳ năm ngoái là một thông tin đáng chú ý, nhất là đặt trong bối cảnh tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% và các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng đều tăng (lần lượt là 3,2% và 5,46%) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp cả nước cũng tăng 0,08% so với cùng kỳ năm ngoái. Để nhìn nhận một cách toàn diện, đâu là những nhân tố tác động đến kết quả trên của ngành Nông nghiệp Thủ đô?

- Có nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng nông nghiệp của Thủ đô trong quý I-2020 bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trước hết là do diện tích cây trồng vụ đông năm 2019-2020 giảm đáng kể so với vụ đông trước. Tiếp đến là dịch bệnh, trong quý I-2020, mặc dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế nhưng việc tái đàn vẫn gặp khó khăn, quý I-2020 chăn nuôi lợn Hà Nội chỉ đạt 1,1 triệu con, giảm 31,25%, còn sản lượng đạt 51.000 tấn, giảm 41,22% so với cùng kỳ năm 2019. Dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại một số địa phương và có nguy cơ bùng phát rất lớn.

Cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu với diễn biến thời tiết bất thường trong vụ đông năm 2019-2020 đã khiến nhiều loại cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế cao như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn… giảm năng suất đáng kể.

- Có thể thấy sự sụt giảm ở lĩnh vực trồng trọt. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Đúng vậy! Sự sụt giảm chủ yếu là ở lĩnh vực trồng trọt, mà trọng tâm là ở vụ đông năm 2019-2020. Đây là một trong những vụ sản xuất chính của Hà Nội, mang lại thu nhập lớn cho người nông dân. Cụ thể, vụ đông năm 2018-2019, Hà Nội gieo trồng hơn 39.000ha với tổng giá trị sản xuất đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Thế nhưng, vụ đông năm 2019-2020, diện tích cây trồng chỉ còn 28.691ha, bằng 83,67% so với vụ đông năm trước. Đáng chú ý, diện tích nhiều loại cây trồng chủ lực đều giảm như: Cây ngô chỉ bằng 83,67%; khoai lang bằng 81,45%; đậu tương bằng 69,48%; rau các loại bằng 90,95%... Diện tích giảm sẽ dẫn đến sản lượng giảm, giá trị kinh tế giảm... Cũng phải nói thêm, diện tích gieo trồng cây vụ đông giảm một phần do hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp không cao so với các ngành phi nông nghiệp nên nhiều nông dân không mặn mà.

Giải bài toán trước mắt và lâu dài

Chăm sóc đàn lợn giống tại Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

- Sản xuất nông nghiệp Thủ đô quý I-2020 vẫn có nhiều điểm sáng. Trong bức tranh chung của ngành, những điểm sáng đó đến từ lĩnh vực nào?

- Mặc dù tăng trưởng âm, nhưng ngành Nông nghiệp vẫn có nhiều điểm sáng và đây là những lợi thế, thế mạnh để khai thác cho mục tiêu khôi phục tăng trưởng. Nổi bật là lĩnh vực chăn nuôi, trong đó chủ lực là nuôi trồng thủy sản và gia cầm.

Hiện, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn thành phố là 22.400ha; sản lượng quý I-2020 đạt 27.000 tấn, tăng 4,25% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế, diện tích nuôi không biến động nhiều, nhưng sản lượng thu hoạch tăng, kết quả này là do lĩnh vực thủy sản đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi an toàn, công nghệ cao như mô hình nuôi cá chép năng suất cao, cá rô phi đơn tính, cá lăng trong lồng...

Còn chăn nuôi gia cầm, dù chịu ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm, nhưng quý I-2020, tổng đàn gia cầm toàn thành phố đạt 33,5 triệu con, tăng 17,54%, sản lượng đạt 33.000 tấn, tăng 25,21%. Trong khi đó, sản lượng trứng gia cầm đạt 540.000 quả, tăng 19,47% so với cùng kỳ năm 2019… Ngoài ra, đàn trâu hiện đạt 24.300 con, tăng 1,25%; đàn bò 130.000 con, tăng 0,78%...

- Nông nghiệp luôn luôn chịu nhiều rủi ro nhưng quý I vừa qua, sản xuất nông nghiệp cả nước tăng 0,08%, trong điều kiện phải chịu những tác động tương đồng. Theo ông, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần triển khai những giải pháp nào để hóa giải khó khăn trước mắt và phát huy thế mạnh riêng như đề cập ở trên?

- Vấn đề trước mắt là phải kiểm soát tốt dịch bệnh trên cả cây trồng và vật nuôi; đồng thời đẩy mạnh phát triển các cây, con có giá trị kinh tế cao…

Với lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ bảo đảm diện tích gieo trồng với cơ cấu các giống có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn được kiểm soát; tăng thêm các cửa hàng, điểm bán rau an toàn và hình thành thêm các nhóm tiêu thụ rau an toàn tại các khu dân cư. Trong đó, tập trung phát triển các mô hình chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ rau an toàn các loại.

Cùng với đó, tập trung vào những nhóm cây như dược liệu, măng tây, hoa chất lượng cao… để mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ cho những nhóm cây, con khác đang bị giảm diện tích. Trước mắt, sẽ tập trung thực hiện gieo trồng cây màu vụ xuân bảo đảm về diện tích và năng suất, chất lượng.

Đặc biệt, để chủ động trong sản xuất, Sở NN&PTNT sẽ cùng các địa phương sớm hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2020-2021. Trong đó, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu các giống cây trồng, đẩy mạnh sản xuất các giống cây trồng có chất lượng và giá trị kinh tế cao cân đối với thị trường.

Đối với chăn nuôi, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh tái đàn lợn lên mức 1,8 triệu con như trước khi có dịch, để đáp ứng nguồn cung và góp phần giảm chỉ số giá tiêu dùng. Đồng thời gắn tái đàn với việc tổ chức xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch, cơ sở an toàn dịch, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm. Song song với đó, ngành sẽ tăng cường phòng, chống và tập trung kiểm soát dịch bệnh không để các bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh xảy ra thành dịch; có kịch bản chủ động ứng phó với thiên tai...

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, chúng tôi sẽ cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm; thực hiện có hiệu quả các nội dung dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”.

Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ nỗ lực hết sức để đạt mức tăng trưởng khoảng 4,04% so với năm trước như chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ.

 -  Nông nghiệp Thủ đô những năm qua luôn duy trì tăng trưởng, kể cả trong điều kiện không thuận lợi. Về dài hạn, theo ông, cần thực hiện những giải pháp, chính sách nào để nông nghiệp Thủ đô tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế chung của thành phố?

- Tại Thông báo số 2555-TB/TU ngày 7-4-2020 của Thành ủy Hà Nội về “Kết luận của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với đại diện Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất nông nghiệp quý I-2020”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế và sự ổn định xã hội, nhất là trong bối cảnh khó khăn, khủng hoảng do dịch bệnh kéo dài.

Theo đó, về lâu dài, để bảo đảm tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp Hà Nội phải đẩy mạnh tái cơ cấu. Đặc biệt là việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Hai vấn đề này phải được tiến hành song song, có nghĩa là tái cơ cấu gắn với nền tảng là công nghệ 4.0.

Hà Nội sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo từng lĩnh vực và chọn lựa mỗi thế mạnh của từng lĩnh vực để khai thác, phát triển. Cụ thể như trồng trọt sẽ tập trung vào hoa chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn… Ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ chuyển đổi 1.850ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, kết hợp phát triển các mô hình du lịch dịch vụ, sinh thái.

Chăn nuôi, thủy sản sẽ được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sao cho phù hợp nhu cầu thị trường. Hà Nội sẽ tập trung phát triển chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và tập trung cải tạo con giống theo hướng tăng năng suất, chất lượng, xây dựng các khu giết mổ tập trung công nghiệp hiện đại…

Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao thì nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ giữ vai trò chủ động. Ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện 4 nhiệm vụ và nhóm giải pháp trọng tâm, từ quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng; lựa chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất; cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đến nhóm giải pháp về thị trường và xúc tiến thương mại.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đây là mục tiêu cơ bản mà ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nhằm hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh, bảo đảm phát triển toàn diện và bền vững, trở thành một trụ đỡ của nền kinh tế Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Đỗ Minh