Thái Lan: Tăng sức cạnh tranh cho nông sản nhờ chiến lược bài bản
Thế giới - Ngày đăng : 11:02, 15/04/2020
Đã từ lâu, sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ đời sống kinh tế Thái Lan, bởi nó không chỉ là nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến nông sản mà còn thu hút đến 60% lực lượng lao động toàn xã hội. Một số sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan là những thương hiệu mạnh luôn giữ vị trí hàng đầu về giá trị xuất khẩu như gạo, đường, hoa quả, thủy sản.
Theo các nhà phân tích thị trường, sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng, khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế là thành công nổi bật trong xuất khẩu nông sản của Thái Lan. Với mục tiêu trở thành “bếp ăn của thế giới”, Thái Lan luôn coi trọng việc cải thiện chất lượng hàng hóa đi cùng với phát triển thương hiệu. Hiện tại, thủy sản của Thái Lan được đánh giá là một đầu mối quan trọng trên thị trường toàn cầu. Gạo của Thái Lan là loại có phẩm cấp và chất lượng cao, được nhiều thị trường cao cấp chấp nhận. Trái cây cũng là một thương hiệu được người tiêu dùng trên thế giới, đặc biệt là người tiêu dùng trong khu vực lựa chọn.
Trong những năm gần đây, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chế biến, Thái Lan tích cực thâm nhập thị trường các nước gần mình như Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia... Sự gần gũi về mặt địa lý đã tạo cho Thái Lan những lợi thế nhất định so với các nước khác. Ngoài ra, ở châu Á còn nhiều thị trường nhập khẩu nông sản chế biến của Thái Lan như Indonesia, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Bên cạnh đó, Thái Lan cũng rất coi trọng việc mở rộng thị trường sang các nước châu Âu, châu Mỹ. Đây là những quốc gia có sự đòi hỏi khắt khe về mặt chất lượng sản phẩm xuất khẩu cũng như các tiêu chuẩn đi kèm như nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý.
Phân tích về thành công của Thái Lan, các nhà nghiên cứu thị trường cho rằng, chính phủ Thái Lan có những chiến lược đúng và nhất quán trong việc xây dựng các thương hiệu nông sản. Nhờ đó, người dân luôn biết chú trọng việc bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tính toàn vẹn môi trường, trách nhiệm xã hội và nội quy lao động. Ngoài ra, người nông dân biết nắm bắt và áp dụng công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nhờ nỗ lực của chính phủ và người dân, các công nghệ hiện đại trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp được triển khai đồng đều trong cả nước. Bí quyết thành công của nông dân Thái Lan còn là sự kết hợp khéo léo giữa kinh nghiệm canh tác truyền thống với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.
Trong phát triển nông sản chế biến, Thái Lan ưu tiên thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giữa “bốn nhà” (nhà nước, nhà khoa học, thương nhân và nông dân); sự phối hợp chặt chẽ đó giúp sản xuất ổn định, có hiệu quả và giữ giá sản phẩm. Thái Lan có hệ thống giao thông và chợ được quy hoạch tốt, thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu nông sản. Đối với mặt hàng trái cây, Thái Lan sử dụng dịch vụ “một cửa” thông qua việc cung cấp nguyên liệu trái cây ở một chợ trung tâm. Người môi giới đóng vai trò thu gom trái cây tươi từ các trang trại rồi đưa về các nhà máy chế biến.
So với phương thức buôn bán truyền thống là người dân trồng cây, thu hoạch rồi tự mình mang đến chợ để bán thì cách này giúp giảm chi phí giao dịch và giảm tổn thất sau thu hoạch cho người dân. Đặc biệt, mọi thủ tục cho việc xuất hàng có thể được thực hiện ngay tại chỗ. Nghĩa là nhà xuất khẩu có thể hoàn tất thủ tục hải quan, nhận giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), chứng nhận kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn vệ sinh, kể cả những dịch vụ chiếu xạ, kho vận, đóng gói, thông tin tư vấn về thị trường, luật lệ... ngay tại Trung tâm Dịch vụ xuất khẩu nông sản một cửa (POSSEC).
Để khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản xuất và xuất khẩu nông sản chế biến, chính phủ Thái Lan có nhiều chính sách cụ thể như áp dụng các chính sách miễn giảm thuế thu nhập, thuế kinh doanh, thuế lợi tức cho các cơ sở chế biến mới thành lập. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong nông nghiệp được miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc, thiết bị. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt khó khăn và có sản phẩm xuất khẩu được miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm. Chính sách này đã làm cho nền nông nghiệp Thái Lan có được lợi thế về chất lượng và giá cả hàng hóa trên thị trường nông sản thế giới, xây dựng được thương hiệu mạnh.
Chưa dừng lại ở đó, Thái Lan còn có tham vọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng số hóa để phát triển ngành Nông nghiệp trong tương lai. Các nhà kinh tế Thái Lan cho rằng, lợi ích từ việc số hóa cơ sở hạ tầng là tìm nguồn tài nguyên thích hợp phục vụ phát triển nông nghiệp, liên kết việc sản xuất và tiêu thụ dựa trên nhu cầu của người dùng... Ngoài ra, việc số hóa sẽ giúp chuyển đổi hệ thống sản xuất, phát huy tiềm năng thương mại của quốc gia, tăng cường khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu.