Những cuốn sách thay đổi cuộc đời
Sách - Ngày đăng : 14:01, 16/04/2020
Trang sách về những số phận có thực trong cuộc đời ấy truyền cảm hứng và niềm tin mạnh mẽ hơn bất cứ một cuốn sách self-help(*) nào. Đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những cuốn tự truyện, hồi ký về những con người không chấp nhận đầu hàng số phận.
Từ lâu, tiểu thuyết nổi tiếng Thép đã tôi thế đấy đã được coi là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ thanh niên sống nồng nhiệt, hoài bão và lý tưởng. Song, không phải bạn đọc nào cũng biết nhân vật Pavel Corsaghin trong truyện chính là hiện thân của tác giả Nikolai A.Ostrovsky, người đã bị mù hai mắt, liệt hai chân, bị bệnh tật tàn phá khiến cơ thể đau đớn cùng cực nhưng vẫn dùng nghị lực phi thường để sống và viết nên cuốn tiểu thuyết này. Thép đã tôi thế đấy của ông đã tiếp thêm nguồn sinh lực mới cho biết bao người, đánh thức trong họ lòng tự tin và ý chí phấn đấu để mỗi giây phút trong cuộc đời mình trôi đi không hoài phí. Người thầy giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã bày tỏ rằng chính cuốn sách Thép đã tôi thế đấy đã thay đổi ước mơ của ông, khiến ông quyết tâm vượt qua những giây phút yếu mềm, để sau đó trở thành một nhà văn.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân. Biết bao thế hệ học sinh Việt Nam từng biết đến ông qua bài tập đọc Em Ký đi học trong sách giáo khoa, sau này đổi thành Anh Ký đi học, rồi Bàn chân kỳ diệu. Từ cậu bé Nguyễn Ngọc Ký hai cánh tay bị liệt vào năm 4 tuổi, cho đến khi trở thành sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là một hành trình phấn đấu vô cùng vô tận vượt qua đớn đau. Năm 1970, cuốn tự truyện Những năm tháng không quên (sau này đổi tên là Tôi đi học) của ông ra mắt độc giả, sau đó tái bản nhiều lần, trở thành cuốn sách nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Sau này, hai cuốn tự truyện đầy xúc động tiếp theo là Tôi học đại học và Tâm huyết trao đời của ông được xuất bản, càng khiến độc giả thêm cảm phục tấm gương đầy nghị lực ấy. Nhưng nhà văn Nguyễn Ngọc Ký không chỉ có 3 tác phẩm tự truyện về cuộc đời, ông còn viết và biên soạn nhiều cuốn sách khác như tuyển tập Câu đố vui tâm đắc, 101 câu đố vui, Biết học hết mình, tập thơ Chú nhện chơi đu, Quả bí kỳ lạ, Ngôi nhà hoa, Đôi tay em…, trong đó có 3 bài thơ được đưa vào sách giáo khoa tiểu học là Nặn đồ chơi, Con đường làng, Em thương. Chính ông từng tâm sự, “nhờ viết sách tôi mới có tiền để nuôi các con khôn lớn”.
Bệnh tật là thứ không lường được, nó có thể bất ngờ rơi xuống bất kỳ ai, song vượt qua bệnh tật để tiếp tục sống, tiếp tục hạnh phúc lại do lựa chọn và nghị lực của mỗi người. Dịch giả Nguyễn Bích Lan, người mới chỉ học hết lớp 8 nhưng lại sở hữu tới 35 đầu sách dịch tiếng Anh và là tác giả của 4 cuốn sách, đã chứng minh “đêm tối đến” cũng có thể “để lại trong ta những vì sao”.
Cuốn tự truyện Không gục ngã của chị đã mang đến cho độc giả một hành trình phi thường của một cô bé tuổi 14 đã không ngồi chờ đợi một phương thuốc phép màu giúp mình khỏi bệnh, mà tự cứu mình bằng cách tìm ra mục đích sống. Khi ngã bệnh, Nguyễn Bích Lan chỉ có duy nhất một tấm bằng tốt nghiệp cấp 2, nhưng giờ đây chị đã trở thành giáo viên dạy tiếng Anh tại nhà và là dịch giả của nhiều đầu sách nổi tiếng như: Cọ hoang, Triệu phú khu ổ chuột, Lời nguyện cầu từ Chernobyl, Một đêm duy nhất, Màu của nước, Phật ở tầng áp mái, Nghìn khuôn mặt của đêm, Tuyến hỏa xa ngầm… Đặc biệt, chị giới thiệu cho độc giả Việt tác phẩm về những tấm gương vượt khó như Nick Vujicic với Cuộc sống không giới hạn, Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng, Tara Westover với Được học…
Cũng vượt mọi đau đớn của thể xác để học và để viết câu chuyện của chính mình là tác giả mắc căn bệnh xương thủy tinh Vũ Ngọc Anh. Cuộc sống phụ thuộc vào chiếc xe lăn, nhưng từ năm 18 tuổi Vũ Ngọc Anh đã sống một cuộc sống tự lập và tham gia các hoạt động thiện nguyện. Cuốn tự truyện Không thể vỡ của Vũ Ngọc Anh được viết với mong muốn truyền niềm cảm hứng, lạc quan sống đến mọi người: “Tôi tàn, nhưng không phế. Tôi muốn mọi người có cùng căn bệnh như tôi sẽ thấy tôi làm được, thì họ cũng làm được”.
Phần thưởng lớn nhất của quá trình vượt lên nghịch cảnh có lẽ chính là sẽ ý thức vô cùng sâu sắc về giá trị của sự sống. Nếu một ngày nào đó bất chợt, số phận từ chối ban tặng cho con người những điều tốt lành, giáng xuống những “cú đấm” không ngờ thì con người mới nhận ra rằng, chỉ được sống thôi, đã là hạnh phúc. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả Bạch Thái Hà muốn gửi đến trong cuốn tự truyện xúc động Megan muốn về nhà và mẹ cũng thế. Cũng là quyết tâm của một người mẹ, tự truyện Đưa con trở lại thiên đường của tác giả Lê Thị Phương Nga là “cuộc chiến” giành lại đứa con bị bệnh tự kỷ “đánh cắp”.
Mang đến năng lượng sống tích cực, tiếp thêm động lực và kỹ năng vượt qua khó khăn, gửi gắm yêu thương và sẻ chia là cảm nhận mà hầu hết các cuốn tự truyện, nhật ký về tấm gương vượt qua nghịch cảnh đem lại. Trong những chuỗi ngày chiến đấu với bệnh tật, thậm chí ngay cả đến những phút giây cuối cùng, nhiều tác giả vẫn rút ruột rút gan để viết. Đó là Khát vọng sống để yêu của Nguyễn Hồng Công, Đóa hoa vô thường của Trần Thị Cẩm Bào, Ngoài kia trời rất xanh của nhà báo Trần Thị Cúc Phương,... cùng nhiều cuốn tự truyện, nhật ký “nhập khẩu” đầy xúc động, day dứt như Một lít nước mắt, Khi hơi thở hóa thinh không, Súp miso của bé Hana, Ba ơi mình đi đâu…
Trong cuốn sách của mình, dịch giả Nguyễn Bích Lan từng bày tỏ: “Không gục ngã là câu chuyện của tôi, và tôi thật lòng mong khi bạn khép lại cuốn sách này, bạn cũng sẽ bắt đầu viết nên những câu chuyện không gục ngã trong hành trình sống có một không hai của mỗi người”. Đó chính là ngọn lửa của tinh thần lạc quan, hy vọng, yêu đời mà mỗi người đọc mong tìm được sau từng trang sách.
(*) Sách self-help: Sách tự lực - loại sách hướng dẫn độc giả cách giải quyết, xử lý các vấn đề của bản thân.