Hà Nội tiếp tục tạm hoãn tiêm chủng đến ngày 22-4
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:59, 17/04/2020
Ngoài ra, tại 16 tỉnh, thành phố có nguy cơ và 35 tỉnh, thành phố có nguy cơ thấp, sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai tiêm chủng để tránh "dịch chồng dịch".
Trước đó, như Báo Hànộimới điện tử đưa tin, triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương quyết định tạm dừng tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã, phường trong vòng 15 ngày (từ ngày 1-4 đến 15-4). Trong thời gian này, các điểm tiêm chủng dịch vụ cũng tạm dừng tổ chức tiêm chủng.
Hiện nay, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố được chia làm 3 nhóm, cụ thể là nhóm có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố; nhóm có nguy cơ gồm 16 tỉnh, thành phố và nhóm có nguy cơ thấp, gồm 35 địa phương còn lại, được áp dụng các biện pháp cách ly xã hội ở các mức độ khác nhau để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nên việc triển khai công tác tiêm chủng cũng có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngày 17-4, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, 12 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao phải tạm hoãn việc tiêm chủng thường xuyên. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đề nghị các trạm y tế xã, phường, thị trấn của 12 tỉnh, thành phố này quản lý đối tượng tiêm chủng chặt chẽ để thực hiện tiêm bù các vắc xin cho trẻ, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ ngay sau khi được phép tổ chức lại buổi tiêm chủng thường xuyên.
"Với các địa phương còn lại, chúng tôi đang tính toán để có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai tiêm chủng, tránh "dịch chồng dịch". Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), không tiêm chủng đầy đủ sẽ dễ xảy ra nguy cơ mắc bệnh. Do đó, ngày 20-4 tới, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sẽ có thông báo chính thức về việc hướng dẫn tiêm chủng cụ thể cho từng địa phương", PGS.TS Dương Thị Hồng nói.
Còn tại Hà Nội, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, hiện tại, thành phố đã tạm dừng các buổi tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, các điểm tiêm chủng dịch vụ đến ngày 22-4 và có thể xem xét kéo dài đến ngày 30-4 tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch trên địa bàn.
Riêng các cơ sở y tế có phòng sinh đẻ, việc tiêm chủng vắc xin viêm gan B liều sơ sinh tại cơ sở y tế vẫn được tổ chức bình thường.
Đối với các điểm tiêm chủng có tổ chức tiêm huyết thanh kháng uốn ván, huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng dại, cần bố trí nhân lực, điểm tiêm chủng phù hợp theo quy định để tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ cao, chủ động phòng bệnh, bảo đảm sức khỏe nhân dân.
Theo đánh giá của WHO, việc gián đoạn công tác tiêm chủng mở rộng nhằm ngăn ngừa lây nhiễm dịch Covid-19 dù trong thời gian ngắn có thể làm gia tăng số người dễ mắc bệnh và tăng khả năng mắc các bệnh gây dịch có thể phòng ngừa bằng vắc xin (như bệnh sởi).
WHO khuyến cáo, mỗi quốc gia trong giai đoạn tạm dừng tiêm chủng mở rộng cần củng cố, duy trì giám sát các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin, để có thể phát hiện và quản lý sớm các trường hợp bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin; xây dựng các chiến lược tiêm chủng bổ sung vắc xin cho giai đoạn hậu Covid-19. Việc triển khai các chiến lược thay thế cho tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã có thể áp dụng, như: Dịch vụ ngoài trạm và lưu động, nhưng phải được đánh giá theo bối cảnh của từng địa phương, cũng như được điều chỉnh để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế và cộng đồng.