Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội: Khó bảo đảm tiến độ vì vướng mặt bằng
Giao thông - Ngày đăng : 10:09, 17/04/2020
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, sau ít ngày phải tạm dừng hoạt động nhằm phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19, hiện công trường đã được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Công tác phòng, chống dịch luôn được các đơn vị liên quan tuân thủ triệt để. Tất cả kỹ sư, công nhân trước khi vào công trường đều được yêu cầu kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và đồ bảo hộ chuyên dụng nhằm bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 và an toàn lao động trong suốt quá trình thi công. Trên công trường, mỗi công nhân được bố trí cách nhau tối thiểu 2m nhằm bảo đảm phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, năm 2020, Ban được giao kế hoạch vốn là 4.030 tỷ đồng. Tới thời điểm hiện tại đã giải ngân được gần 700 tỷ đồng, tương đương 17% so với kế hoạch. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, con số giải ngân chắc chắn sẽ cao hơn.
Cũng theo ông Lê Trung Hiếu, tham gia dự án có nhiều chuyên gia đến từ các nước châu Âu, trong khi hiện nay nhiều nước châu Âu đang ở đỉnh của dịch Covid-19 nên một số chuyên gia khi đến Việt Nam phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, sau đó nếu âm tính sẽ phải tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà nên Ban bị thiếu nguồn lực chuyên gia. Các thiết bị của dự án phải nhập khẩu từ châu Âu cũng bị tạm dừng sản xuất.
Về nguồn lực trong nước, dịch bệnh diễn ra ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 nên việc di chuyển của kỹ sư, công nhân đến Hà Nội để làm việc rất khó khăn. Tuy nhiên, chủ đầu tư cùng tư vấn đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp khắc phục nên đến nay, những khó khăn đã dần được tháo gỡ.
Ga S9 là một trong 4 ga ngầm của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Ga có chiều dài 186,6m, chiều rộng lòng ga 21,3m, chiều sâu đến đáy 19m. Tầng trung chuyển sẽ kết nối với cầu thang lên xuống để ra ngoài. Tầng đáy là tầng chạy tàu, dự kiến sẽ thi công xong vào cuối năm 2020.
Ông Shaun Atkins, Kỹ sư trưởng Liên danh nhà thầu Hyundai E&C - Ghella thông tin, hiện nhà thầu đã thi công đến tầng trung chuyển, tiến độ thi công vẫn đang bảo đảm. Tại ga S9 hiện có khoảng 60 kỹ sư, công nhân tham gia thi công. Cùng với ga S9, các ga S10, S11, S12 cũng đang được tập trung thi công.
Tuy nhiên, hiện nay tiến độ dự án đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là tại các ga thuộc đoạn tuyến trên cao, thuộc địa bàn các quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm.
Tại công trường thi công ga S7 trên đường Cầu Giấy, ông Lee Hwan Se, Giám đốc dự án của gói thầu CP-02 cho biết, theo dự kiến, vào cuối năm 2020 sẽ hoàn thành tất cả các thang lối vào để tới tháng 4-2021 đưa vào khai thác. Tuy nhiên, tại đây có 16 ngôi nhà và cửa hàng lấn chiếm chỉ giới giải phóng mặt bằng nên nhà thầu không thể thi công.
Tại ga S8, các thang ES 1-2-4 vẫn còn cột điện và cáp điện nên không thể thi công. Tại các ga S4, S5 cũng đang vướng giải phóng mặt bằng liên quan tới hàng chục hộ dân và cửa hàng.
“Nếu không bàn giao mặt bằng sớm thì nhà thầu sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ” - ông Lee Hwan Se cho biết.