Cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên toàn cầu: Hỗ trợ những người yếu thế
Thế giới - Ngày đăng : 06:08, 18/04/2020
Theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), có tới 55% dân số toàn cầu không được tiếp cận với bảo trợ xã hội và 75% người dân ở các nước kém phát triển nhất không được sử dụng xà phòng, nước sạch. Không chỉ là nguy cơ về y tế, những tác động về kinh tế ngày càng trở nên rõ nét. Các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh phần nào ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tác động trực tiếp tới sinh kế của người nghèo. Tổ chức Oxfam cảnh báo, nếu các biện pháp khẩn cấp và quyết liệt không được thực hiện, cuộc khủng hoảng về kinh tế do Covid-19 gây ra có thể đẩy nửa tỷ người trên toàn thế giới rơi vào tình trạng đói nghèo.
Với những người có thu nhập thấp và việc làm không ổn định, nỗi lo cho cuộc sống hằng ngày dường như đã lấn át cả nỗi sợ hãi trước dịch bệnh. Tại Ấn Độ, quốc gia với 1,3 tỷ dân, các biện pháp cách ly xã hội, hạn chế đi lại khiến người dân nghèo ngừng làm việc, không có thu nhập để trả tiền thuê nhà hay mua các loại thực phẩm thiết yếu. Giới chức Ấn Độ nhận định, tình hình sẽ trở nên mất kiểm soát nếu dịch Covid-19 bùng phát nhanh chóng ở các khu ổ chuột của nước này, nơi được coi là những “quả bom hẹn giờ” bởi người nghèo phải sống chen chúc trong những khu nhà chật hẹp.
Ngay tại nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, theo số liệu thống kê ở nhiều bang, người Mỹ gốc Phi - vốn được coi là nhóm người nghèo, nhiều bệnh nền và ít được chăm sóc y tế - có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao gấp đôi và nguy cơ tử vong cao gấp ba lần so với các đối tượng khác. Tại bang Wisconsin, người gốc Phi chiếm 1/4 dân số nhưng lại chiếm đến 81% số ca tử vong do Covid-19. Hay tại thành phố Chicago, 70% các ca tử vong do Covid-19 tới từ cộng đồng này, vốn chỉ chiếm 30% dân số. Người dân tại những nước nghèo và nước đang chịu ảnh hưởng bởi xung đột cũng là nhóm sẽ chịu tác động nặng nề nhất nếu dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn.
Trước thực trạng này, chính phủ nhiều quốc gia đã có hành động thiết thực. Các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí sửa đổi những quy định về Quỹ hỗ trợ cho những người gặp khó khăn nhất (FEAD). Ước tính khoảng 13 triệu công dân EU được hưởng lợi từ quỹ này. Tại Italia, một trong những điểm nóng của dịch Covid-19 tại châu Âu, chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte đã thông qua gói biện pháp hỗ trợ trị giá 4,3 tỷ euro dành cho các tỉnh thành để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn.
Còn chính phủ Ấn Độ đã công bố gói hỗ trợ kinh tế trị giá 22,6 tỷ USD nhằm tiếp sức cho người nghèo, giúp họ phần nào giảm bớt những khó khăn về kinh tế. Những người đang hưởng chương trình y tế dành cho người nghèo cũng được miễn phí xét nghiệm và điều trị Covid-19. Ngày 16-4, Chính phủ Hàn Quốc đã tung gói hỗ trợ tài chính thứ hai trị giá 7.600 tỷ won (6,2 tỷ USD) để hỗ trợ mỗi hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp, với khoản tiền 1 triệu won (823 USD) quy đổi ra phiếu mua hàng và phiếu quà tặng. Quốc gia láng giềng Nhật Bản cũng đã xem xét hỗ trợ 300.000 yên (2.780 USD) cho mỗi hộ gia đình gặp khó khăn, trong gói biện pháp kinh tế khẩn cấp đối phó với dịch Covid-19... Ngay tại Việt Nam, Chính phủ đã thông qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam, thể hiện sự sẻ chia, đồng hành của Đảng, Chính phủ trước khó khăn của người dân do dịch bệnh.
Rõ ràng, việc hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn và sẻ chia trong khó khăn mà còn được hy vọng sẽ góp phần mang đến thắng lợi trong cuộc chiến khó khăn trước đại dịch.