Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa hoàn thành các công trình trọng điểm

Kinh tế - Ngày đăng : 13:12, 18/04/2020

(HNMO) - Tại thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt đô thị số 1 đang hoàn thành, tuyến đường sắt đô thị số 2 đang giải phóng mặt bằng… Những dự án giao thông lớn của thành phố mang tên Bác vẫn đang về đích cùng với những biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19.

Công viên Lam Sơn phía trên ga ngầm Nhà hát thành phố đang được san lấp, hoàn trả mặt bằng để xây dựng công viên cảnh quan.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 sắp về đích

Ngày 18-4, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) cho biết đã bàn giao 2.177 m2 mặt bằng Công viên Lam Sơn trước Quảng trường Nhà hát thành phố, hiện đã được san lấp cát đến cao độ +2,3 m so với hiện trạng ban đầu, để Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị thành phố Hồ Chí Minh tiếp quản, xây dựng công viên cảnh quan.

Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban MAUR cho biết, tiến độ bàn giao mặt bằng Công viên Lam Sơn sớm hơn 17 ngày so với dự kiến đã thống nhất với Sở Xây dựng thành phố, sớm hơn 137 ngày so với kế hoạch ban đầu và dự kiến bàn giao trước ngày 30-4-2020.

“Đây là nỗ lực rất lớn của MAUR và nhà thầu trong thời điểm còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19”, ông Bùi Xuân Cường nói.

Các hạng mục ngầm tuyến đường sắt đô thị số 1 đang được thi công.

Về tổng quan dự án, hiện tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã đạt tiến độ gần 72%. Bên dưới Công viên Lam Sơn, ga tàu điện ngầm Nhà hát thành phố cũng đang được gấp rút hoàn thành. Hiện 82,4% khối lượng công việc đã được hoàn tất. Đơn vị thi công phấn đấu đạt tiến độ 90% trong năm nay.

Trước khi vào công trường thi công tầng hầm B1, ga Nhà hát thành phố, các công nhân đều được đo nhiệt độ và kiểm tra trang bị bảo hộ lao động để phòng, tránh Covid-19. Dưới lòng đất, công việc hối hả. Hiện tầng hầm B1 đã hoàn tất 90% khối lượng thi công, nhanh nhất trong số 4 tầng hầm của nhà ga này.

Các công nhân trước khi vào công trường đều được kiểm tra thân nhiệt và trang bị bảo hộ phòng dịch.

Ông Trịnh Duy Toàn, Chỉ huy trưởng công trường thi công tầng hầm B1 cho biết, các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn tất các phần việc nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 đúng quy định của thành phố. Các ban, ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra các biện pháp bảo đảm an toàn lao động và phòng dịch tại công trường.

Các hạng mục gói thầu CP 2 (xây dựng đoạn trên cao và ga kỹ thuật của tuyến) có chiều dài 17,1 km từ ga Ba Son đến ga cuối trên địa phận tỉnh Bình Dương cũng đang được khẩn trương hoàn thành. Các nhà thầu đã cam kết hoàn tất 90% khối lượng trong năm nay.

Khó khăn của dự án hiện nay là các chuyên gia nước ngoài tạm thời chưa được phép nhập cảnh vào Việt Nam do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Công trường xây dựng các hạng mục ngầm tuyến đường sắt đô thị số 1.

Tháng 6-2020, hoàn tất giải phóng mặt bằng tuyến số 2

Hiện MAUR cũng đang khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Tổng mức đầu tư của dự án này là gần 2,1 tỷ đô la Mỹ. Tổng chiều dài toàn tuyến là 11,042 km (gồm 11,042 km ngầm, 1,942 km trên cao và chuyển tiếp). Toàn tuyến có 10 nhà ga (9 ga ngầm, 1 ga trên cao), chạy qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.

Theo quy định của thành phố Hồ Chí Minh, lộ trình thực hiện giải phóng mặt bằng cho tuyến đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tiến hành công khai theo 6 bước. Một là công bố, lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường. Hai là ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt chính sách bồi thường. Ba là chi trả tiền bồi thường, cấp phép xây dựng cho phần diện tích còn lại của các hộ dân. Bốn là vận động người dân tự tháo dỡ công trình cũ, bàn giao mặt bằng. Năm là cưỡng chế giải phóng mặt bằng với những hộ dân không chấp hành. Sáu là bàn giao mặt bằng cho MAUR.

Ông Trần Việt Hưng, 54 tuổi, ngụ tại phường 15, quận Tân Bình cho biết, chính quyền đã phát hành công khai và chi tiết các phương án bồi thường đến từng hộ dân. “Chúng tôi hy vọng buổi đối thoại trực tiếp sắp tới sẽ giải đáp những thắc mắc nhỏ còn lại để các hộ dân sớm ổn định cuộc sống mới, công trình sớm đi vào hoạt động”, ông nói.

Sơ đồ toàn tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Theo MAUR, có 602 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó có 121 hộ bị ảnh hưởng toàn phần. Đến đầu tháng 4-2020, đã có 108 hộ nhận tiền đền bù và 53 hộ bàn giao mặt bằng. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trong thời điểm ưu tiên công tác phòng, chống dịch Covid-19, các cơ quan chức năng thành phố Hồ Chí Minh đã có những cách làm chủ động.

Từ ngày 13 đến ngày 18-4, các quận 1, 10,12, Tân Bình và Tân Phú đã phát hành trực tiếp tài liệu về phương án bồi thường chi tiết đến từng hộ dân, chứ không tổ chức họp niêm yết tập trung như kế hoạch trước đó.

Sau 20 ngày phát hành tài liệu, UBND các quận sẽ tập hợp ý kiến của các hộ dân và tổ chức họp giải đáp với các hộ dân còn nhiều thắc mắc. Trong tháng 6-2020, UBND các quận sẽ tiến hành bàn giao mặt bằng cho MAUR. Dự kiến, công trình sẽ được khởi công trong tháng 10-2020.

An Tôn