Giá thịt lợn tăng cao: Cần nhiều giải pháp để bình ổn thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 18:01, 18/04/2020

(HNMO - Những ngày gần đây, giá lợn hơi tiếp đà tăng mạnh tại nhiều địa phương. Đặc biệt, tại một số tỉnh, thành phố miền Bắc, giá lợn hơi đã cán mốc 90.000 đồng/kg. Trước tình trạng giá thịt lợn tăng và chưa có điểm dừng, các cơ quan chức năng cho rằng cần tập trung tăng đàn, tổ chức lại phương thức chăn nuôi để bình ổn thị trường.

Thiếu nguồn cung

Ngày 18-4, giá lợn hơi tiếp tục đà tăng cao ở nhiều địa phương trên cả nước. Tại miền Nam, một số nơi vượt qua mốc giá 80.000 đồng/kg; trong khi đó, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh miền Bắc như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình… ở mức từ 88.000 đồng đến 90.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất của khu vực này nói riêng và cả nước nói chung tính đến thời điểm hiện tại.

Giá thịt lợn hơi tăng khiến giá thịt lợn mảnh tại chợ truyền thống vẫn giữ ở mức cao, từ 140.000 đồng đến 180.000 đồng/kg tùy loại. Bà Nguyễn Thị Hòa, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Trại Găng (quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Mấy hôm nay giá lợn móc hàm tăng mạnh, lên tới hơn 120.000 đồng/kg, nhưng chúng tôi đành bớt lãi và lấy hàng ít đi chứ không tăng giá vì giá thịt lợn đến giờ đã cao quá rồi".

Chị Lê Minh Hoa (trú tại ngõ 18 phố Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ, giá thịt lợn cao nên lâu nay đi chợ, chị phải chuyển sang mua các thực phẩm khác như gà, vịt, cá, tôm… nhưng cũng chỉ được một vài bữa, vì thịt lợn vẫn là thực phẩm chính khó thay thế.

Trong khi đó, mức giá hấp dẫn của thịt lợn nhập khẩu được rao bán nhiều trên các trang mạng xã hội thời gian gần đây bắt đầu thu hút sự quan tâm của không ít các bà nội trợ. Cụ thể, thịt lợn nhập khẩu từ Nga có giá từ 115.000 đồng đến 130.000 đồng/kg; từ Canada có giá từ 100.000 đồng đến 140.000 đồng/kg; từ Tây Ban Nha có giá từ 155.000 đồng đến 160.000 đồng/kg…

Đặc biệt, từ ngày 18 đến hết ngày 26-4, hệ thống các siêu thị Big C tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thực hiện chương trình “Tuần lễ thịt lợn nhập khẩu”. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết, các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu bày bán tại Big C so với thịt lợn tươi trong nước, rẻ hơn đến 37%. Cụ thể, sườn 119.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 149.000 đồng/kg; thịt thăn 146.000 đồng/kg; thịt sườn ướp 139.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cân nhắc với loại thịt này. Chị Nguyễn Thanh Tú (trú tại chung cư Hei Tower, quận Thanh Xuân) cho rằng, giá thịt lợn nhập khẩu rẻ hơn so với giá thịt lợn tươi, nhưng mặt hàng này lại không bán tại các chợ. Kể cả siêu thị cũng rất ít, mà chỉ bán chủ yếu trên các mạng xã hội. Khi mua, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm từ 30.000 đến 50.000 đồng tiền phí giao hàng (tùy khoảng cách xa, gần) thì cũng không tiết kiệm được là bao. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn tăng là do hiện chưa đủ sản phẩm để cung cấp cho thị trường. Trước khi có bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cả nước mỗi quý cần tới 910.000 tấn thịt lợn, trong khi vừa qua mới đạt từ 820.000 đến 830.000 tấn và phải đến quý IV-2020 mới đạt được sản lượng như trước.

Phân tích thêm về giá thịt lợn trên thị trường giữ ở mức cao, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, giá thịt lợn tăng dần tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ. Chẳng hạn như, khối lượng thịt sống 100kg, loại bỏ hết các chất chứa trong đường tiêu hóa khoảng 5kg, khối lượng còn 95kg. Tiếp theo trừ nội tạng khoảng 22kg, còn lại khối lượng móc hàm là 73kg, trong đó, chỉ có 55kg thịt (nạc và mỡ). Nếu tính giá thành 70.000 đồng/kg lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi, thì chi phí 1kg thịt lợn thành phẩm sẽ thành 127.000 đồng/kg không bao gồm chi phí tại các khâu trong chuỗi cung ứng.

Như vậy, qua mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng thì giá lợn hơi/thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8% đến 10% (lấy lãi suất vay ngân hàng làm thước đo) do mỗi công đoạn của chuỗi cung ứng đều có chi phí sản xuất và lợi nhuận tương đương.

Cần tăng đàn, tăng nhập khẩu

Để giải quyết bài toán thiếu thịt lợn trong nước, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt trong quý I-2020. Tuy nhiên, tính đến ngày 27-3, mới chỉ nhập khẩu được hơn 39.000 tấn. Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều nước trước đây có khả năng xuất khẩu thịt lợn nay cũng chỉ đủ sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa. Các nước truyền thống chuyên xuất khẩu thịt lợn cho Việt Nam như Canada (chiếm 33%), Đức (25%), Brazil (16%), Ba Lan (15,8%), Hoa Kỳ (7,8%)… đều bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, nên việc nhập khẩu thịt lợn từ các nước này hầu như bị đình trệ.

Để góp phần giải quyết khó khăn trên, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, cần sớm ban hành một số chính sách thúc đẩy chăn nuôi trong nước, phát triển các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi quy mô lớn; có chính sách điều phối giữa các doanh nghiệp liên quan như doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp thu mua, giết mổ, các đơn vị bán hàng… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng xem xét và sớm áp dụng chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, tạo thuận lợi cho việc thông quan thịt lợn nhập khẩu.

Còn theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, bản chất thị trường hiện nay vẫn là yếu tố cung cầu quyết định giá cả. Vì vậy, trước tiên phải bảo đảm nguồn cung. Để làm được điều này cần thực hiện song song việc tái đàn theo hướng bền vững và nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm…

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách giảm tối đa khâu trung gian theo hướng giảm số lượng cơ sở chăn nuôi và lò mổ nhỏ lẻ chuyển sang chăn nuôi quy mô lớn và giết mổ tập trung. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là khâu trung gian, theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và chống găm hàng, tăng giá. Trước mắt, nên xem xét đưa mặt hàng thịt lợn vào nhóm hàng hóa bình ổn giá, bởi tính phổ biến của mặt hàng này trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Thanh Hiền