Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến G7: Gắn kết để chiến thắng đại dịch
Thế giới - Ngày đăng : 06:15, 19/04/2020
Tại cuộc họp, nhiều vấn đề được đưa ra tranh luận bởi đây là lúc G7 phải đương đầu cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do Covid-19, trong đó cả Mỹ, Italia, Pháp, Đức, Anh đều trong nhóm đứng đầu thế giới về số người nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Đáng ngại hơn, tới nay dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng gần 60% trường hợp nhiễm và 64% số ca tử vong nằm trên lãnh thổ các nước thành viên G7.
Mặt khác, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) từng cảnh báo các nền kinh tế phát triển sẽ ghi nhận suy thoái nghiêm trọng, với mức giảm mạnh tới 6,1% (cao hơn nhiều mức trung bình 3% của thế giới). Cũng theo IMF, khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ suy giảm tới 7,5% trong năm nay. Mỹ, tâm điểm của đại dịch, được dự báo sẽ suy giảm khoảng 5,9% trong năm 2020, là mức giảm tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Khảo sát của Kantar tại các nước G7 cũng chỉ ra, có 37% người dân bị giảm thu nhập, trong khi 8% đã mất hoàn toàn thu nhập do dịch bệnh.
Trong bối cảnh đối mặt với cuộc "khủng hoảng kép" về cả y tế cộng đồng lẫn kinh tế, các lãnh đạo G7 đã thảo luận cách thức để nối lại các hoạt động kinh tế hậu đại dịch và bảo đảm các chuỗi cung ứng có đủ độ tin cậy trong tương lai. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng những hệ thống y tế vững mạnh hơn. Kết quả nổi bật là, các nước G7 nhất trí sẽ phối hợp hành động hướng tới các mục tiêu trên, trong đó bao gồm triển khai các biện pháp tài chính, tiền tệ cần thiết để phục hồi lòng tin và tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hội nghị vẫn có hạn chế, khi mới chỉ dừng lại ở những cam kết chứ chưa thể hiện bằng hành động cụ thể. Cuộc họp chưa đưa ra được một chiến lược chung, hay bất cứ kế hoạch nào để hiện thực hóa các cam kết. Đây là điều đã được dự đoán trước, bởi bản thân G7 lúc này vẫn hàm chứa nhiều mâu thuẫn. Một ví dụ điển hình là việc chính sách bảo hộ kinh tế với các biện pháp áp thuế mạnh mẽ mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào các đồng minh (trong đó phần lớn là các thành viên G7) đã gây ra không ít tranh cãi.
Những khác biệt cũng được thể hiện ngay trong cuộc họp trực tuyến lần này, khi phần còn lại của G7 không hài lòng với việc Mỹ rút nguồn tài trợ dành cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”. Sáu thành viên ngoài Mỹ đều bảo lưu quan điểm sự tồn tại của một tổ chức đa phương như WHO bởi nó có vai trò rất quan trọng đối với các nỗ lực hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh. Trái với động thái của Mỹ, Anh vừa qua đã tăng cường tài trợ cho WHO, trong khi các nước châu Âu cũng đang lên kế hoạch bù đắp lỗ hổng kinh phí cho tổ chức này thông qua việc kêu gọi đóng góp đầu tư nghiên cứu vắc xin ngừa SARS-CoV-2.
Đại dịch đang tạo ra những thách thức chưa từng có đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, giờ là lúc các nước G7 cần gạt bỏ bất đồng, cùng gắn kết biến những cam kết nói trên thành hành động cụ thể. Việc làm này không chỉ mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19, mà còn là chỗ dựa vững chắc cho nền kinh tế thế giới đang đứng trước một "cơn bão lớn".