Ngày thứ 18 thực hiện cách ly xã hội tại Hà Nội: Không quyết liệt, vi phạm sẽ khó giảm
Đời sống - Ngày đăng : 05:58, 19/04/2020
Vi phạm ở ngoại thành có chiều hướng tăng
Ghi nhận tại các trục đường lớn ở ngoại thành sáng 18-4 cho thấy, người dân đi lại đông hơn, hàng quán mở cửa nhiều hơn so với những ngày trước. Tại huyện Thạch Thất, 8h sáng ở chốt kiểm soát dịch Covid-19 của chợ Bùng (xã Phùng Xá), lực lượng làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho tất cả người ra/vào chợ. Một số người vào chợ không đeo khẩu trang đều bị Tổ kiểm soát kiên quyết không cho vào; đồng thời, báo lực lượng công an đến xử phạt.
Tại huyện Phúc Thọ, các thành viên chốt kiểm dịch thôn Tường Phiêu (xã Tích Giang) nghiêm túc ghi sổ theo dõi tên, tuổi địa chỉ, đo thân nhiệt người vào địa bàn. Tại chợ Đông Phương Yên (xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ), người mua bán hàng đều đeo khẩu trang, giãn khoảng cách.
Tại huyện Hoài Đức, nhiều cơ sở sản xuất đồ đồng mỹ nghệ hay đồ thờ tượng Phật vẫn mở cửa. Tương tự tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), trên tuyến phố Thụy Ứng, người bán hàng lấn chiếm lòng đường; một số tiểu thương ở chợ Phùng không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách và nhiều cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học vẫn bán hàng.
Khác với những ngày trước, trên nhiều tuyến phố của thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai), nhiều người dân ra đường không đeo khẩu trang; nhiều cửa hàng mở cửa trở lại như: Cửa hàng gốm sứ Bảo Long, cửa hàng bạt Linh Hồng... Còn với huyện Đông Anh, trên đường Cao Lỗ, tại khu xóm Bãi, đường Cổ Loa, khu vực gầm cầu Thăng Long hay trên đường Đản Dị vẫn có cửa hàng không bán hàng thiết yếu hoạt động.
Ở huyện Ứng Hòa, chợ trung tâm thương mại thị trấn Vân Đình đông người nhưng chưa giữ khoảng cách. Tại huyện Chương Mỹ, một số tuyến phố và trục quốc lộ 6 qua địa bàn thị trấn Chúc Sơn, vẫn có nhiều cửa hàng mở cửa. Tình trạng này đã được Báo Hànộimới phản ánh ngày 17-4. Trong khi đó, trên địa bàn huyện Gia Lâm, một số cửa hàng không thiết yếu như vật liệu xây dựng, quán trà đá, mua bán xe máy... mở cửa và công khai hoạt động tại các địa chỉ như: 89, 194, 312, 314 Hà Huy Tập.
Nội thành vi phạm chưa giảm
Trong khi ngoại thành gia tăng vi phạm, thì nội thành chưa có chiều hướng giảm. Tại quận Hai Bà Trưng, cửa hàng hoa tươi góc đường Ngô Thì Nhậm - Trần Xuân Soạn; các cửa hàng bán lạc rang từ ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông đến Bà Triệu - Tuệ Tĩnh vẫn mở hé cửa. Quán cà phê 104 Tô Hiến Thành, 10h sáng 18-4 vẫn mở cửa.
Tại quận Đống Đa, trong khoảng 9h-10h sáng, trên đường La Thành (phường Ô Chợ Dừa), nhiều cửa hàng vẫn hoạt động. Về tình trạng này, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa Hoàng Hoài Loan cho biết: “Công an phường đã yêu cầu tất cả hộ dân, hộ kinh doanh thực hiện nghiêm yêu cầu cách ly xã hội, nhưng một số hộ vẫn tìm cách đối phó. Với các phản ánh của Báo Hànộimới, chúng tôi cho kiểm tra ngay”. Còn trên phố Khâm Thiên (phường Khâm Thiên), tại khu vực đường tàu, cửa hàng rửa xe máy như Báo Hànộimới đưa tin đã được dẹp bỏ. Tuy nhiên, cửa hàng tại số 255A, 253 vẫn mở cửa. Trong ngõ chợ Khâm Thiên đông người mua bán; người bán hàng rong lấn chiếm cả lòng đường, vỉa hè và không giữ khoảng cách an toàn...
Tương tự, tại quận Long Biên, sau khi Báo Hànộimới phản ánh, việc chấp hành của chủ các cửa hàng trên phố Lâm Du, Phú Viên (phường Bồ Đề) đã được duy trì tốt. Tổ công tác của UBND phường Thạch Bàn đã kiểm tra và nhắc nhở một số cơ sở trên phố Thạch Bàn mà Báo Hànộimới đã nêu ngày 17-4. Tuy nhiên, khoảng từ 8h đến 9h sáng 18-4, trên phố này vẫn có khoảng 10 cửa hàng mở cửa.
Tại quận Cầu Giấy, cảnh đông đúc diễn ra ở chợ "cóc" gần trụ sở tuần tra nhân dân số 5 phường Nghĩa Tân nhưng không bảo đảm khoảng cách. Chợ Dịch Vọng (ngõ 72 phố Dịch Vọng), tuy có rào chắn và lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, nhưng nhiều người thiếu ý thức vẫn chui qua rào dây chọn hàng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở vẫn mở cửa như: Số 359, 361 (đường Cầu Giấy); số 144, cửa hàng thiết bị nhà bếp Tiến Mạnh (đường Hoàng Quốc Việt).
Tại quận Tây Hồ, dù có rào chắn ngăn họp chợ nhưng các ngõ quanh chợ Yên Phụ, người dân vẫn vượt rào mua, bán. Còn tại phường Bưởi, chợ tạm dốc Tam Đa (phường Thụy Khuê), dù đã được nhắc nhở nhưng người dân vẫn “dạt” vào ngõ 13 dốc Tam Đa họp chợ và chen nhau mua bán. Trong khi đó, tại quận Nam Từ Liêm cũng điểm danh được khá nhiều vi phạm. Dọc tuyến đường 70, cơ sở ở số: 195, 187, 183 đường Xuân Phương mở cửa đón khách.
Vi phạm do Báo Hànộimới phản ánh được xử lý nghiêm
Điều đáng ghi nhận của chính quyền các cấp là việc tiếp thu và xử lý ngay các vi phạm mà Báo Hànộimới đã nêu trước đó. Như quán cà phê Giảng 106 Yên Phụ (phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình) ngày 18-4 đã đóng cửa. Hoạt động rửa xe ô tô dưới chân cầu Chương Dương, đoạn đầu phố Hàng Muối (quận Hoàn Kiếm) cũng chấm dứt. Đặc biệt, tại các chợ tạm, chợ “cóc” như Tản Đàn, Vạn Phúc và quanh khu vực chợ Hà Đông, chợ Bông Đỏ (Hà Đông); quanh chợ Thanh Xuân Bắc, chợ “cóc” khu C, đường Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân)… việc giữ khoảng cách đã được cải thiện; không còn hiện tượng tụ tập mua hàng.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất) Nguyễn Hữu Thịnh cho biết, sáng 18-4, lực lượng chức năng xã đã lập biên bản xử lý những trường hợp mở cửa hàng mà báo phản ánh ngày 17-4, đồng thời yêu cầu các chủ cửa hàng cam kết không mở cửa.
Liên quan đến vi phạm ở phường Mai Động, Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Công an phường cho biết, sau khi nhận được phản ánh của Báo Hànộimới về việc một số cơ sở trên phố Lĩnh Nam mở cửa, Công an phường đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý ngay trước 10h ngày 18-4. Còn với vi phạm ở khu vực chợ Yên Phụ, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) Hoàng Xuân Sáng cho biết sẽ duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm thực hiện nghiêm cách ly xã hội.
Tại quận Nam Từ Liêm, liên quan đến vi phạm ở đường 70, ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Phương thừa nhận là đúng và 11h ngày 18-4, lực lượng Công an phường đã xuống ngay địa bàn, nhắc nhở các hộ đóng cửa. Còn ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cho hay, ngay sau khi Báo Hànộimới phản ánh về vi phạm dọc đường Đại Mỗ, phường đã cử lực lượng xử lý; đến 12h ngày 18-4, hầu hết hàng, quán tại khu vực này đã đóng cửa.
Cũng với tinh thần xử lý nghiêm vi phạm, bà Vũ Thị Thủy, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, với thông tin do Báo Hànộimới cung cấp, ngay trong sáng 18-4, phường đã chỉ đạo 1 tổ công tác kiểm tra cửa hàng ở số 144, đường Hoàng Quốc Việt, yêu cầu đóng cửa và ký cam kết không tái phạm.
Về những vi phạm trên địa bàn, ông Nguyễn Chí Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, ngay khi có phản ánh của Báo Hànộimới trước đó về việc một số cửa hàng tại Ba Thá (xã Viên An) mở cửa, địa phương đã kiểm tra, nhắc nhở. Còn với những vi phạm tại xã Tiên Dược (Sóc Sơn) hay khu vực chợ Tó (huyện Đông Anh), lãnh đạo các địa phương này đều khẳng định, đã cử lực lượng kiểm tra và yêu cầu các hộ dừng bán hàng, sẽ xử phạt nghiêm những vi phạm.
Tính hết ngày 18-4, Việt Nam đã qua 2 ngày không có thêm ca mắc Covid-19 mới. Tin tốt lành này là sự động viên, khuyến khích mỗi người thực hiện cách ly xã hội tốt hơn để duy trì kết quả đã đạt được. Mỗi chúng ta có quyền lạc quan trước việc dịch được kiểm soát tốt, song không vì thế mà chủ quan sẽ làm hỏng mọi nỗ lực của cả xã hội thời gian qua. Với thực tiễn nêu trên, trong những ngày tới cấp chính quyền cơ sở cần nghiêm khắc, xử lý triệt để hơn nữa để răn đe những người còn thiếu ý thức trong phòng, chống dịch Covid-19.
Xử phạt 8.656 trường hợp vi phạm
Tính đến 17h ngày 18-4, báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 1-4 đến nay cho thấy, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 8.656 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các lỗi vi phạm chủ yếu là mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra đường không có lý do cấp thiết... Khu vực nội thành, các quận đã xử phạt tới 5.421 trường hợp, dẫn đầu là: Đống Đa, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông. Các huyện có mức xử phạt cao là: Thanh Trì, Đan Phượng, Đông Anh...