Hà Nội: Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19
Kinh tế - Ngày đăng : 09:52, 19/04/2020
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kịp thời ứng phó với dịch bệnh
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách và nhiều lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Riêng 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động là 4.240 đơn vị (tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019). Trong bối cảnh đó, thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giữ ổn định kinh tế - xã hội.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản điều hành phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ứng phó với dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, ban hành và triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Ngoài ra, UBND thành phố đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù của Hà Nội trình HĐND thành phố thông qua để thực hiện, như: Hỗ trợ doanh nghiệp chi phí trả kết quả thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung…
Đặc biệt, thành phố triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đó là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa; hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (dư nợ cho vay đến nay ước đạt 546 nghìn tỷ đồng); triển khai các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (159 cụm với 3.204,31 ha), đến nay đã có 70 cụm đang hoạt động với diện tích là 1.328,64ha, hỗ trợ khoảng 3.600 doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất. Các ngành cũng đang thu hút các nhà đầu tư xây dựng 68 cụm công nghiệp, với diện tích là 1.016,72ha, tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng để hỗ trợ về mặt bằng sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Về nghiên cứu khoa học - công nghệ, thành phố đã có cơ chế hỗ trợ cụ thể, như: Kinh phí thực hiện hợp đồng tư vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng từ 50 đến 100 triệu đồng/doanh nghiệp; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp khoảng 1 tỷ đồng/dự án…
Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, thành phố đã triển khai đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025. Doanh nghiệp thành lập mới được hỗ trợ phí công bố thông tin lần đầu, kinh phí làm dấu và chuyển trả kết quả cho doanh nghiệp, khoảng 420.000 đồng/doanh nghiệp. Mỗi năm thành phố dành khoảng 20 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ kinh phí đào tạo kiến thức khởi nghiệp sáng tạo 20 triệu đồng/doanh nghiệp/năm); hỗ trợ kinh phí doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung...
Trong bối cảnh dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như: Sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế); thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến…
Đến nay, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, ứng phó với dịch Covid-19.
Thúc đẩy đầu tư công, kích hoạt đầu tư tư nhân
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm giữ tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị "Đối thoại với doanh nghiệp trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố" vừa được tổ chức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, trong giai đoạn 5 năm qua, Hà Nội có hơn 107 nghìn tỷ đồng, chiếm 10% đầu tư công của cả nước. Hà Nội đã quyết tâm tháo gỡ tất cả những vướng mắc để giải ngân gần 40 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2020, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là nguồn lực lớn để kích hoạt đầu tư tư nhân và các nhà đầu tư có thể phối hợp với Hà Nội để triển khai các khoản đầu tư công này.
Theo Bí thư Thành ủy, đây là giai đoạn mà thành phố xác định sẽ gỡ mọi vướng mắc, khó khăn cho đầu tư công và đầu tư tư nhân; sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn thành phố được kích hoạt, thông suốt.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện 100% thủ tục hành chính qua mạng điện tử mức độ 3, đẩy mạnh đăng ký trực tuyến mức độ 4 tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố thống nhất khởi động lại tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng để xem xét, giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Cùng với đó, các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất, kinh doanh, để vừa phòng, chống dịch tốt, vừa bảo đảm an toàn cho hoạt động của doanh nghiệp.