Nông nghiệp Hà Nội: Còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Nông nghiệp - Ngày đăng : 17:20, 19/04/2020

(HNMO) - Đối mặt với thách thức do dịch Covid-19 và những tác động của biến đổi khí hậu cũng như dịch bệnh trong nông nghiệp, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi phát triển, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng, ngành cần được tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc để phát triển bền vững.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trong quý I-2020, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tăng trưởng của ngành giảm 1,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Căn cứ vào tình hình sản xuất nông nghiệp của thành phố, ngành Nông nghiệp đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản thứ nhất, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,12%; kịch bản thứ hai là tăng 3,99% và kịch bản thứ ba là tăng 3,69%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra năm 2020 là 4,12%, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi sản xuất, đồng thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho nông dân.  

Cụ thể, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% chi phí thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh trên tất cả các loại cây trồng; đối với chăn nuôi, hỗ trợ 100% chi phí mua vắc xin phòng chống bệnh cúm gia cầm; hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón... cho cây trồng vụ đông, diện tích hơn 100ha trở lên...

Thu hoạch lúa hữu cơ ở Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ).

"Đặc biệt, để tái đàn lợn đạt mục tiêu 1,8 triệu con nhằm đáp ứng nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng Thủ đô, Hà Nội hỗ trợ 30% kinh phí mua lợn nái, mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/con (số lượng 5.000 con); hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các cơ sở chăn nuôi tái đàn lợn sau bệnh Dịch tả lợn châu Phi là 100% lãi suất tiền vay trong thời gian 6 tháng để mua giống, thức ăn duy trì phát triển đàn lợn..." - ông Chu Phú Mỹ cho biết thêm. Mặt khác, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cho người dân, ngành Nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, chẳng hạn về thủy sản, hỗ trợ 100% chi phí quảng bá, xúc tiến thương mại...

Cùng với đó, Hà Nội duy trì và hỗ trợ 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cho nông dân. Thực tế cho thấy, hiệu quả của việc liên kết chuỗi đang phát huy hiệu quả, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: "Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, hợp tác xã đã liên kết với Công ty cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam tiêu thụ 100% sản phẩm lúa hữu cơ cho nông dân"...

Nhiều khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ

Bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát... thì cũng có một thực tế là, hiện nay, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp còn thấp, các liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm còn ít. Việc triển khai Nghị định 98/2019-NĐ-CP ngày 5-7-2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn vướng mắc về cách tính hạ tầng sẵn có để đưa vào liên kết... Ngoài ra, một khó khăn với Hà Nội khi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là việc tích tụ đất đai có giá đền bù cao.

Theo ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), muốn xây dựng nhà máy với diện tích vài héc ta là cả vấn đề vì nếu vị trí thuận lợi thì giá bồi thường dự án có thể lên đến hơn 10 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp làm nông nghiệp đều có quy mô nhỏ và vừa nên khó khăn về vốn. Ở góc độ khác, theo bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai để xây dựng cơ sở hạ tầng khu giết mổ tập trung. Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn không thu hút được doanh nghiệp đầu tư bởi nguồn vốn để xây dựng nhà máy quá lớn, vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến lại chưa được xây dựng.

Liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc nêu trên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, cho biết: Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là công nghệ cao, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống khu kinh tế hỗ trợ tại các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh, Ba Vì... Tuy nhiên, Hà Nội rất cần các cấp, các ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn về cơ chế chính sách để tích tụ ruộng đất, các vấn đề liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đã được thành phố quy hoạch. Cùng với đó, để ổn định đầu ra cho sản phẩm, Hà Nội cần được tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thực hiện Nghị định 98/2019-NĐ-CP về liên kết chuỗi nhằm thu hút doanh nghiệp đủ tầm thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...

Ngọc Quỳnh