Hài hòa các lợi ích

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:22, 20/04/2020

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam thì dù Việt Nam là cường quốc về lúa gạo nhưng các nhà quản lý vẫn phải đặt ra bài toán xuất khẩu lúa gạo. Tất cả nhằm bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, người nông dân với việc bảo đảm dự trữ lương thực quốc gia.

Tín hiệu lạc quan là, từ đầu năm đến nay, trong khi hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn thì riêng lúa gạo lại theo chiều ngược lại. 3 tháng đầu năm 2020 cả nước xuất khẩu 1,67 triệu tấn gạo (tăng 19,9%) và đạt giá trị 774 triệu USD (tăng 27,8%) so với cùng kỳ năm trước. Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu kịch bản xấu nhất do tác động của thời tiết thì sản lượng lúa của cả nước cũng chỉ giảm khoảng 1 triệu tấn. Và như vậy, Việt Nam đủ khả năng để xuất khẩu khoảng 6 triệu đến 7 triệu tấn gạo trong năm nay.

Đáng chú ý, lúa gạo Việt Nam có ở cả ba miền và cứ ba tháng lại có một vụ lúa mới. Thêm nữa, Việt Nam đang sở hữu nhiều giống lúa ngắn ngày, chỉ khoảng 85 ngày là có thể thu hoạch. Như vậy, chúng ta vừa có lượng gạo dự trữ quốc gia, lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp, vừa có một lượng lúa ngay trên đồng ruộng nên có thể bảo đảm an ninh lương thực. Trong khi đó, có một thực tế là ở thời điểm hiện tại hàng trăm tấn gạo vẫn đang chờ tại các cảng để đến các thị trường trên thế giới, chưa kể một lượng gạo rất lớn mà các doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhưng chưa thể giao hàng.

Giải bài toán đang đặt ra với xuất khẩu gạo, trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương phương án, số lượng xuất khẩu gạo tháng 4 và 5-2020 như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương là 800.000 tấn gạo trong đó trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn gạo. Thủ tướng cũng nhấn mạnh: Phải bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo trong mọi tình huống… Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu: Xây dựng kịch bản điều hành thị trường gạo trong nước và xuất khẩu trong trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài...

Như vậy, trước mắt các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ lớn là bảo đảm an ninh lương thực và tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến xuất khẩu gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Không để dòng tiền bị “đóng băng”, với việc xuất khẩu gạo có lẽ cần tập trung giải phóng nhanh lượng hàng đang tồn đọng tại các cảng để giảm tổn thất cho doanh nghiệp. Đồng thời có giải pháp kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu; bảo đảm minh bạch các hoạt động xuất khẩu, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, trục lợi.

Về việc dự trữ gạo, cùng với việc khẩn trương mua đủ số lương thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt và nghiên cứu mua thêm khi cần thiết thì đổi mới quy trình, cơ chế đấu thầu gạo cho kho dự trữ quốc gia cũng là việc cần làm để mang lại hiệu quả cao nhất, bảo đảm lợi ích chung. 

Và, để bảo đảm nguồn gạo cho việc dự trữ và xuất khẩu thì các giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong việc thúc đẩy sản xuất trên cơ sở đặc thù của từng vùng, cũng như các giải pháp mang tính cấp bách nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, giúp người nông dân yên tâm bám đồng ruộng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, trên cơ sở cân đối, hài hòa các lợi ích, tin rằng chúng ta sẽ hoàn thành hai nhiệm vụ: Xuất khẩu gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm tích trữ lương thực quốc gia, bảo đảm an ninh lương thực.

Thế Văn