Nhiều giải pháp thực hiện tốt an sinh xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 20/04/2020
Hỗ trợ kịp thời cuộc sống người dân
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, những ngày gần đây, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố đã triển khai chương trình tặng lương thực, thực phẩm miễn phí cho người nghèo liên tục trong 10 ngày (từ ngày 15 đến 25-4) tại nhiều địa điểm. Đón nhận điều này, bà Trần Thị Bích (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) xúc động: “Tôi không may bị mắc bệnh thận, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thật may là giữa lúc gian khó, bản thân tôi và gia đình nhận được sự quan tâm về nhiều mặt từ chính quyền”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Ngọc Triệu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng hơn 3.000 lượt người đến các điểm cấp, phát lương thực, thực phẩm miễn phí để nhận sự hỗ trợ với tổng trị giá hàng hóa khoảng gần 1 tỷ đồng…
Các đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội của thành phố cũng kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn thông qua những chương trình thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp miễn, giảm, tạm hoãn thu đoàn phí, kinh phí công đoàn; tham gia đóng góp cùng người sử dụng lao động mua thiết bị, vật tư, trang bị y tế… Trong đó, Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đã vận động các chủ nhà trọ giảm giá tiền thuê nhà cho công nhân...
Ngoài ra, Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội đã phát động “Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng chống thất nghiệp mùa dịch”. Các tổ chức của thanh niên còn triển khai chương trình “Hà Nội nghĩa tình”, cung cấp 8.000 suất ăn/ngày cho sinh viên, công nhân và người có hoàn cảnh khó khăn…
Không những vậy, cả 30/30 quận, huyện, thị xã của thành phố đã, đang trợ giúp kịp thời cho người dân gặp khó khăn. Chẳng hạn, quận Long Biên hỗ trợ các trường hợp khó khăn với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng; các ngành, đoàn thể huyện Gia Lâm huy động được nguồn hàng hóa, tiền mặt trị giá hơn 5 tỷ đồng… để chuyển đến những người cần trợ giúp.
Đặc biệt, từ đầu tháng 4-2020, UBND thành phố đã bổ sung 1.020 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm hỗ trợ việc làm cho người lao động; hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động bị ảnh hưởng… Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đang rà soát các đối tượng được hưởng chế độ với tổng kinh phí dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng.
Thành phố cũng xây dựng một số nhóm chính sách đặc thù như hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng (4, 5 và 6-2020) với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); phường Mỹ Đình II (quận Nam Từ Liêm) và công nhân thuê nhà tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh)…
Triển khai hiệu quả gói an sinh xã hội
Cùng với các chính sách, biện pháp trợ giúp đã, đang triển khai, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã định hướng cho các ngành, địa phương chủ động rà soát, khoanh vùng các đối tượng thụ hưởng.
Triển khai chính sách này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã gửi biểu mẫu rà soát đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh hơn 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp triển khai. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã chủ động rà soát bước đầu, xác định được hơn 50.000 hộ nghèo, cận nghèo, hơn 88.000 người có công và hơn 182.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hằng tháng… Ở góc độ người lao động, anh Bùi Mạnh Tiến, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) bày tỏ: “Do dịch Covid-19, tôi bị mất việc làm nên rất khó khăn. Hy vọng, các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội sớm đến với những hoàn cảnh khó khăn, giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn này”.
Tuy nhiên, việc xác định các đối tượng lao động tự do đang gặp nhiều khó khăn. “Lao động tự do không có việc làm hiện nay rất đông, nhưng họ không còn ở Hà Nội, mà đã về địa phương, thì phải điều tra, thống kê thế nào để tránh bỏ sót hoặc chồng chéo là điều không đơn giản”, ông Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm phản ánh. Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hai Bà Trưng, về việc rà soát lao động tự do, các bộ, ngành chức năng cần sớm thống nhất, đưa ra hướng dẫn cụ thể trên cơ sở tham khảo ý kiến, căn cứ tình hình thực tiễn của các địa phương.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở đang chờ các cơ quan chức năng hướng dẫn triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP. Sau khi có hướng dẫn, thành phố Hà Nội sẽ khoanh vùng các đối tượng, niêm yết danh sách công khai, nhằm bảo đảm chính sách hỗ trợ đến đúng người, đối tượng. Riêng nhóm lao động tự do, quá trình rà soát sẽ có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương và ứng dụng công nghệ để phân tách, sàng lọc những đối tượng này trên hệ thống dữ liệu quản lý dân cư.