Còn nhiều vi phạm trong thực hiện cách ly xã hội cần xử lý triệt để
Đời sống - Ngày đăng : 15:16, 20/04/2020
Như phản ánh của phóng viên trong sáng 20-4 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, vi phạm diễn ra công khai ở cả các trục đường chính và các ngõ nhỏ. Trên đường Cầu Noi, 3 cửa hàng đại lý kim khí điện nước, kinh doanh mũ bảo hiểm... từ số nhà 14 đến 16 phố Cầu Noi "đàng hoàng" mở cửa đón khách. Trên tuyến đường Tân Xuân, vi phạm diễn ra tràn lan, các cửa hàng kinh doanh ăn uống, thời trang, văn phòng phẩm và bãi rửa xe đều công khai hoạt động.
Tại chợ "cóc" ngõ 85 đường Tân Xuân, người bán rau củ, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm sống bày bán công khai tại chợ. Ngay dưới chân gầm cầu, cạnh cổng ra vào Tổ dân phố Tân Xuân 5, một chợ cóc "họp" ngay dưới lòng đường. Phía đối diện, hàng rửa xe cũng tận dụng diện tích trống dưới chân cầu để làm việc dọc tuyến đường Cổ Nhuế, ngay trong sân Nhà văn hóa Tổ dân phố Viên 5, số 280 đường Cổ Nhuế, cánh cổng được mở rộng "nhường" chỗ cho một hộ kinh doanh bày la liệt hàng hóa, rau củ quả... Áp sát cánh cổng này là nhiều hộ kinh doanh bán rau, củ lấn chiếm toàn bộ vỉa hè để bán hàng. Tại số nhà 97 đường Cổ Nhuế, cửa hàng tổng kho hoa quả sạch Phượng Hải bày bán hàng chục quả mít thành đống lớn, xếp tràn ra tận lòng đường.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: "Về các điểm vi phạm như báo phản ánh, 12h ngày 20-4, UBND phường đã kiểm tra và nhắc nhở các cửa hàng đóng cửa, nếu tái phạm, phường sẽ cương quyết lập biên bản, báo cáo UBND quận ra quyết định xử phạt, có thể phạt đến 10 triệu đồng/trường hợp".
Tại quận Cầu Giấy, người dân các phường về cơ bản thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, ở cơ sở có nhiều cách làm hay như tại chợ dân sinh 337, ngõ 72, phố Dịch Vọng, cơ quan chức năng cho đặt cọc inox và dây phản quang phân làn, kẻ vạch sơn, các ô cách nhau để người dân đứng mua bán hàng bảo đảm khoảng cách 2m.
Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương làm tốt, phường Yên Hòa vẫn còn những điểm họp chợ “cóc” ngay gần biển cấm họp chợ (ngõ 100 Trung Kính); nhiều cửa hàng cơ khí ở đường Nguyễn Khang và tổ 27 phường Yên Hòa vẫn hoạt động công khai. Dưới gầm cầu vượt Mai Dịch, đoạn ngã tư Phạm Hùng - Hồ Tùng Mậu, một "chợ lao động" công khai hoạt động.
Tại quận Hà Đông, khảo sát cho thấy, lực lượng chức năng phường Dương Nội tổ chức cắm chốt, tuyên truyền, yêu cầu tiểu thương và người dân tại chợ "cóc" họp trên vỉa hè đường Lê Trọng Tấn, giáp chợ La Cả, thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch.
Tuy nhiên, theo quan sát, hầu như không ai quan tâm, người dân vẫn đứng sát nhau mua hàng không bảo đảm giãn cách 2m. Thực tế này cho thấy, người dân rất chủ quan, lơ là, không quan tâm đến công tác phòng dịch cho chính bản thân mình, lực lượng chức năng cũng chưa làm hết trách nhiệm trong công việc.
Dọc đường Quang Trung, một số cửa hàng vi phạm đã được Báo Hànộimới phản ánh ngày 19-4 thì sáng 20-4 đã đóng cửa như: Cửa hàng xe đạp, xe điện số 147, kính mắt số 78... Song, vẫn còn một số cửa hàng coi thường lệnh "cấm", cố tình mở "hé" cửa để bán hàng như các cửa hàng kính mắt, quần áo, mũ bảo hiểm ở số 241, 243 và 245 Quang Trung.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vi phạm tại chợ "cóc" họp trên vỉa hè Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Chủ tịch UBND phường Dương Nội Lã Quang Thức cho biết: Sau khi có phản ánh của báo, phường sẽ thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp cố tình vi phạm.
Tại quận Thanh Xuân, khu vực chợ Thượng Đình, phường Thượng Đình, lúc 7h30 ngày 20-4, cảnh họp chợ diễn ra khá sôi nổi, hầu hết không tuân thủ quy định giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Các hàng bán thịt, cá, rau củ quả bày tràn lan trên vỉa hè.
Tuy không thuộc mặt hàng thiết yếu nhưng có tới 4 quầy bán vàng mã ngồi quây 2 bên lối đi vào chợ. Tương tự, tại chợ tạm trong khu dân cư cơ khí Hà Nội, phường Thượng Đình cũng buôn bán khá công khai.
Bên cạnh hàng rong, chợ "cóc" hoạt động công khai, các cửa hàng kinh doanh như cửa hàng bán chè Thái Nguyên số 205 Nguyễn Trãi và số 175 đường Nguyễn Trãi cũng mở cửa hoạt động tuy không phải là mặt hàng thiết yếu.
Thừa nhận những vi phạm tại địa phương, ông Trần Phan Mỹ, Phó Chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) cho biết: Thời gian qua, phường đã quyết liệt kiểm tra, xử lý vi phạm. Cụ thể, phường lập 5 tổ công tác chốt trực tại khu đô thị Royal City và các chợ, xử phạt 11 trường hợp không đeo khẩu trang. Những ngày tới, phường sẽ xử lý vi phạm kịp thời hơn.
Tại quận Long Biên sáng nay, Báo Hànộimới đã phản ánh tình trạng vi phạm ở các khu chợ khá tấp nập, đường sá đông đúc, nhiều cửa hàng mở cửa. Việc này, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) cho biết, phường đã tiến hành lập biên bản, xử phạt gần 20 trường hợp không đeo khẩu trang, tổng số tiền 4 triệu đồng; phạt 1 cửa hàng 5 triệu đồng... UBND phường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn người dân tập trung và tập thể dục tại 3 điểm công cộng là: Vườn hoa Ngọc Lâm, vườn hoa Dốc Cẩm, khu vực xung quanh hồ Tai Châu vào 2 khung giờ, từ 5h30-8h và 15h30-18h30 hằng ngày.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Văn, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng cho biết, hằng ngày tổ công tác của phường kiểm tra khu vực cầu Long Biên, vườn hoa Bắc Long Biên. Đồng thời, công an và các lực lượng khác tổ chức kiểm tra các tuyến phố, đường, ngõ trên địa bàn, qua đó đã xử lý 19 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng; nhắc nhở, ngăn chặn kịp thời hàng chục hàng quán mở cửa trong thời gian cách ly xã hội.
Tại quận Hoàng Mai chiều 20-4, vi phạm vẫn diễn ra ở nhiều tuyến phố. Cửa hàng điện thoại ở ngã tư Trương Định - Kim Đồng, 96 Tân Mai vẫn mở cửa. Ở “điểm nóng” về tụ tập đông người là đường dạo ven hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt), dù lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, nhắc nhở nhưng cuối chiều 20-4 vẫn có một số người đi bộ tập thể dục.
Tại quận Hai Bà Trưng, cửa hàng ở số 9, 66, 70 Lạc Trung, 170 Hồng Mai, 135 Trương Định vẫn “nửa đóng, nửa mở” để bán hàng. Trên phố Tân Lập (góc giao ngã tư với ngõ Quỳnh), có một nhóm thanh niên kê ghế nhựa ngồi ở vỉa hè tán gẫu và không đeo khẩu trang…
Tại quận Nam Từ Liêm, Ngay cổng chợ Mỹ Đình trên phố Trần Bình, nhiều người bán hàng vẫn công khai lấn chiếm toàn bộ vỉa hè để bán hàng, hàng hóa bày tràn xuống cả lòng đường... Dọc phố Nguyễn Hoàng, nhiều hàng quán vẫn ngang nhiên mở cửa đón khách.
Tại khu vực ngoại thành, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trên địa bàn huyện Đan Phượng chiều 20-4, công tác thông tin tuyên truyền phòng, chống dịch trên địa bàn tiếp tục được duy trì nghiêm túc. Huyện tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh 3 lần/ngày; tuyên truyền bằng xe lưu động 1 lần/ngày. Từ 1-4 đến nay, huyện đã xử phạt hơn 400 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với số tiền hơn 100 triệu đồng.
Tại địa bàn huyện Thanh Trì vẫn duy trì một chốt kiểm soát dịch bệnh cấp thành phố, 4 chốt cấp huyện, các chốt cấp xã, thị trấn và 33 tổ tuần tra lưu động để kiểm tra, tuyên truyền, xử lý vi phạm. Tính đến chiều 20-4, các chốt của huyện và thành phố đã kiểm tra: 3.922 phương tiện qua chốt với 11.071 công dân; tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm tại các chốt trực của các xã, thị trấn.
Tại địa bàn thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), Trung tá Dương Ngọc Trai, Trưởng Công an thị trấn cho biết, các cửa hàng không thiết yếu trên địa bàn đều đóng cửa. Về những hình ảnh các cửa hàng mà Báo điện tử Hànộimới phản ánh ngày 19-4 thuộc địa bàn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, giáp ranh với thị trấn Trạm Trôi, Công an thị trấn đã phối hợp với lực lượng chức năng xã Tân Lập để giải quyết xử lý.