Hàng hóa dồi dào, giá thịt lợn chưa giảm
Kinh tế - Ngày đăng : 12:55, 20/04/2020
Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá thịt lợn móc hàm có xu hướng tăng, lên trên mức 120.000 đồng/kg nên giá bán lẻ mặt hàng này không giảm. Tại chợ Mai Động (quận Hoàng Mai), giá thịt lợn phổ biến ở mức 110.000-170.000 đồng/kg, tim lợn 250.000 đồng/kg, sườn 170.000 đồng/kg. Do giá cao nên sức tiêu thụ chậm và hôm nay càng chậm thêm vì là ngày đầu tuần, người dân đã tranh thủ mua trong 2 ngày cuối tuần.
Trong khi đó, giá mặt hàng rau, củ, quả giữ ổn định. Mồng tơi có giá phổ biến là 5.000-6.000 đồng/mớ; rau ngót 10.000 đồng/mớ; bắp cải 13.000 đồng/kg; đỗ trạch 20.000 đồng/kg; bí xanh 17.000 đồng/kg; dưa chuột 10.000-13.000 đồng/kg tùy loại... Một số mặt hàng rau, củ cuối mùa hoặc đầu mùa có giá cao hơn, như su hào 10.000 đồng/củ; cải cúc 8.000 đồng/mớ; mướp 20.000 đồng/kg.
Giá các mặt hàng thủy, hải sản cũng không biến động. Ngao thường được bán với giá 20.000-25.000 đồng/kg; cá quả 100.000 đồng/kg; cá trắm trắng 65.000 đồng/kg (cả con), 70.000 đồng/kg (bán khúc); cá trắm đen loại từ 3kg đến 5kg có giá 230.000 đồng/kg; cua đồng 150.000 đồng/kg; cá diếc 55.000 đồng/kg…
Đáng chú ý, giá trứng gia cầm giảm đáng kể bởi sức cầu giảm do dịch bệnh. Hiện, trứng gà ta được bán phổ biến là 30.000 đồng/chục, giảm 5.000 đồng/chục so với trước; trứng vịt giảm 3.000 đồng/chục, xuống mức 27.000 đồng/chục.
Trong khi đó, tại các siêu thị như Big C Thăng Long, Big C Go!Market Nguyễn Xiển, Vincom Trần Duy Hưng hay các cửa hàng tiện lợi như Hapromart Thành Công (quận Ba Đình), Vinmart+ (đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai)..., các loại thực phẩm rất đa dạng, đầy ắp, tươi mới trên các kệ và trong tủ mát. Nhìn chung, giá các mặt hàng đều ổn định. Chẳng hạn, rau muống 21.500 đồng/kg; mướp Nhật 38.500 đồng/kg; cải ngọt, cải chíp, mồng tơi cùng có giá 29.900 đồng/kg; cải ngồng 24.800 đồng/kg; cải canh 24.500 đồng/kg…
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, hệ thống siêu thị Co.opmart đã dự trữ một lượng lớn hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của người dân trong thời gian dịch bệnh, nên người dân đã quen với việc không còn mua tích trữ do lo lắng thiếu nguồn cung. Thường vào những ngày cuối tuần, người dân sẽ đi mua nhiều hơn, đủ dùng cho gia đình trong 2-3 ngày để tránh phải ra đường hoặc đến nơi đông người, nên trong ngày đầu tuần thường lượng khách không đông.
Chị Nguyễn Thị Huyền (trú tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông) chia sẻ, hàng hóa dồi dào, người dân mua thưa thớt nên chị gần như không phải chờ đợi khi thanh toán. Việc phòng dịch Covid-19 được người dân, tiểu thương và nhân viên siêu thị chú trọng bằng cách đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.