Hà Nội là 1 trong 5 địa phương có điểm cao nhất về xử lý hành vi tham nhũng

Đời sống - Ngày đăng : 11:41, 21/04/2020

(HNMO) - Ngày 21-4, Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này đã công khai ban hành Báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2018.

Thanh tra Chính phủ nhận định, trong năm 2018, nhiều địa phương đã xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, tổ chức thực hiện nghiêm túc, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn chưa đạt yêu cầu; khoảng cách giữa kết quả thực hiện của các địa phương chưa đồng đều. Trên bình diện chung, công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh chỉ đạt xấp xỉ 60% yêu cầu và điểm trung bình toàn quốc là 59,575/100. Tỉnh đạt điểm cao nhất là Nam Định (80,37 điểm), tỉnh đạt điểm thấp nhất là Ninh Thuận (32,16 điểm). Chênh lệch điểm lớn thể hiện công tác phòng, chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa nhau.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, về kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, trung bình cả nước đạt 18,373/30 điểm, đạt 61,36% yêu cầu; điểm cao nhất là 27,29 điểm (tỉnh Lai Châu, đạt 91% so với yêu cầu); thấp nhất là 6,4 điểm (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đạt 21,33% so với yêu cầu).

Về kết quả phát hiện các hành vi tham nhũng, cả nước mới chỉ đạt 39,384% so với yêu cầu. Kết quả này thấp hơn kết quả thực hiện năm 2017. Đây là năm thứ hai liên tiếp điểm số này giảm so với năm trước đó. Địa phương có số điểm cao nhất ở nội dung này là tỉnh Long An, đạt 23,06/25 điểm, tương đương 92,24%, tăng khá cao so với kết quả đạt được năm 2017 (đạt 16,99/25 điểm). Tỉnh Tuyên Quang có điểm số thấp nhất ở nội dung này, được 0/25 điểm.

Về kết quả xử lý tham nhũng, trong 5 tỉnh có điểm cao nhất có Nam Định và Thái Bình. Đây là hai địa phương liên tục ở mức cao trong 3 năm qua, đạt tỷ lệ điểm hơn 80%. Các địa phương đạt kết quả cao tiếp theo là Đồng Tháp, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Các địa phương này cho thấy sự cải thiện rõ rệt trong quyết tâm xử lý tội phạm tham nhũng khi tổng điểm các phần xử lý hành chính, xử lý hình sự và thu hồi tài sản tham nhũng tăng dần đều (Đồng Tháp tăng ở mức 120%, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 140%, so với năm 2016).

Về kết quả nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đánh giá, điểm yếu chung hiện nay là tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chưa đồng đều; trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn. Một số quy định về quản lý kinh tế - xã hội còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Nhiều quy định về định mức, tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật còn lạc hậu, chưa sát với thực tế, dẫn đến tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, trong năm 2018 có tới 17 lãnh đạo tỉnh tiếp công dân ít hơn 5 lần/12 tháng (chưa đạt 50% so với yêu cầu). Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp, gay gắt ở một số địa phương. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng thông qua giải quyết tố cáo hiệu quả thấp. Nhìn chung, việc phát hiện tham nhũng ở các địa phương chủ yếu qua công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cũng như qua phát hiện của báo chí, dư luận xã hội.

Từ các nội dung nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã có những kiến nghị, đề xuất cụ thể nhằm tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; việc phát hiện, xử lý tham nhũng; thu hồi tài sản tham nhũng; quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Hà Phong