Thời gian vàng cho "mặt trận" kinh tế
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:59, 22/04/2020
Theo báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong quý I-2020 đã có gần 35.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đây là lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động lớn hơn số mới thành lập. SARS-CoV-2 như “kẻ địch vô hình” đã công phá mạnh mẽ hơn 700.000 doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành những gói giải pháp chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với tinh thần bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ lực lượng tiên phong trong cuộc chiến duy trì tăng trưởng.
Tuy không chủ quan với dịch bệnh nhưng cũng đến lúc có thể nới lỏng từng bước các biện pháp cách ly xã hội với nhiều cấp độ, phù hợp với nguy cơ rủi ro dịch bệnh khác nhau giữa các ngành, doanh nghiệp và địa phương. Khái niệm mới - sống an toàn và kinh doanh an toàn với Covid-19, được đặt ra, nhằm tái khởi động nền kinh tế, duy trì mục tiêu tăng trưởng.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các kịch bản phục hồi kinh tế đang được xây dựng ở các cấp, ngành, địa phương và quốc gia. Dù ở bất luận kịch bản nào thì việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, loại bỏ những thủ tục rườm rà, giảm bớt thanh tra, kiểm tra, đồng thời đẩy mạnh tiến độ giải ngân 700 nghìn tỷ đồng đầu tư công trong năm 2020 là điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn. Một nền tảng thể chế hoàn thiện sẽ là bệ đỡ cho doanh nghiệp ra đời và phát triển.
Cùng với đó là chính sách giữ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định để chuẩn bị cho sự phục hồi; từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng, chống những cú sốc kinh tế giống như đại dịch Covid-19; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một thị trường... Các giải pháp còn nhằm vào việc cải thiện khả năng thanh khoản, tăng sức chống đỡ của doanh nghiệp. Đây là những bất cập mà qua dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ.
Hiện, các gói chính sách hỗ trợ trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đều đang được xúc tiến. Trong đó, sự hỗ trợ của Chính phủ là nền tảng, từ đó "trợ thở", kích hoạt đầu tư, phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Chính phủ có thể hỗ trợ về thông tin cũng như khía cạnh tài chính, pháp lý để gỡ các vướng mắc liên quan đến lưu thông hàng hóa trong giai đoạn dịch bệnh..., song trách nhiệm chính trong việc duy trì sản xuất, tìm kiếm thị trường mới vẫn thuộc về doanh nghiệp. Nhiều cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do cần được khai thác hiệu quả; bám chắc hơn nữa thị trường trong nước cũng là việc các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh.
Trong mọi hoàn cảnh, các bộ, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động và có phương án thích ứng vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần chủ động tìm giải pháp và hỗ trợ nhau hiệu quả, như chuyển đổi số, phát triển kinh tế nền tảng và các dịch vụ phi tiếp xúc truyền thống, nhằm giảm thiểu sự gián đoạn khi cách ly xã hội.
Đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế của mỗi quốc gia cũng như toàn thế giới. Nhưng với những thành quả đáng tự hào trong công tác kiểm soát dịch bệnh, cùng với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ và sự sáng tạo vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta chắc chắn sẽ thu được kết quả khả quan trên "mặt trận" kinh tế thời “hậu Covid-19”.