Đòn tiến công chiến lược giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng

Chính trị - Ngày đăng : 06:53, 22/04/2020

(HNM) - Nằm trong tổng thể cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, thắng lợi của đòn tiến công chiến lược giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng cùng với Chiến dịch Tây Nguyên đã làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược, trực tiếp đánh bại âm mưu co cụm của địch, góp phần tạo điều kiện chắc thắng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Các chiến sĩ quân giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn (Huế), sáng 26-3-1975. Ảnh: TTXVN

1. Trong lúc Chiến dịch Tây Nguyên tập trung đánh địch phản kích ở Buôn Ma Thuột và tổ chức chặn đánh, tiêu diệt các lực lượng còn lại của Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn rút chạy trên đường số 7, ở Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2 và Quân khu 5 mở hai chiến dịch quy mô vừa, đánh địch ở đầu phía Bắc thuộc Quân đoàn 1, Quân khu 1 quân đội Sài Gòn.

Trên hướng Trị - Thiên, từ ngày 15-3-1975, các lực lượng vũ trang Quân khu Trị Thiên và một bộ phận Quân đoàn 2 hoạt động mạnh ở vùng Phú Lộc, Phú Thứ làm chủ nhiều thị xã, giải phóng các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà... Ngày 19-3-1975, bộ binh và xe tăng ta vượt sông Thạch Hãn, giải phóng thị xã và phần còn lại của tỉnh Quảng Trị, uy hiếp trực tiếp thành phố Huế.

Trên hướng Tây Nam Đà Nẵng và đồng bằng Trung Bộ, Quân khu 5 đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, giải phóng các huyện Tiên Phước, Phước Lâm, Sơn Hà, Trà Bồng cùng nhiều xã ở vùng giáp ranh, uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam.

Ngày 20-3-1975, trước sự phát triển nhanh chóng của quân ta ở Tây Nguyên và các hướng khác, Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng giải phóng Huế và Tam Kỳ, tiêu diệt Sư đoàn 1, Sư đoàn 2 quân đội Sài Gòn từ hai phía Bắc và Nam, bao vây cô lập tiến tới tiêu diệt cụm quân địch ở Đà Nẵng, tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn, giải phóng các tỉnh Trị - Thiên và Bắc khu 5. Bộ đội từ Tây Nguyên phát triển xuống đồng bằng, tiêu diệt nốt Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn, giải phóng các tỉnh Nam khu 5.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2, Quân khu 5 đã nhanh chóng chuyển hai chiến dịch quy mô vừa thành chiến dịch tiến công quy mô lớn giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng.

Chiến dịch tiến công chính thức bắt đầu từ ngày 21-3-1975, vào thời điểm sau khi địch tháo chạy khỏi Quảng Trị và Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho tiền phương Quân đoàn 1 quân đội Sài Gòn rút khỏi Thừa Thiên - Huế, tổ chức phòng thủ chặn quân ta ở phía Bắc đèo Hải Vân.

Trên hướng Thừa Thiên - Huế, cuộc tiến công của quân ta diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ trên ba hướng là Nam, Bắc và Tây Huế. Đến ngày 26-3-1975, ta giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên - Huế. Về ý nghĩa giải phóng thành phố Huế, Quân ủy Trung ương khẳng định: "Việc đánh chiếm, giải phóng thành phố Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược và chính trị rất lớn. Chiến công đó đã làm cho nhân dân cả nước nức lòng phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm nghiêm trọng. Các đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng của quân và dân cả nước".

Mất Huế, nhưng địch vẫn cho rằng ta còn phải củng cố mới đủ sức tiến công tiếp. Chúng hy vọng tranh thủ thời gian đó tổ chức lại lực lượng, "tử thủ" Đà Nẵng đến cùng.

Trong khi Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh "tử thủ" Đà Nẵng và những phần đất còn lại, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh nhận thấy địch đã bị mất Huế, Tam Kỳ, dù chúng có muốn giữ Đà Nẵng cũng không giữ được. Từ đó, Quân ủy Trung ương quyết định mở mặt trận tiến công Đà Nẵng với tư tưởng chỉ đạo kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất và chắc thắng.

2. Để chỉ huy trận tiến công Đà Nẵng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà do đồng chí Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy.

Bộ chỉ huy Mặt trận Quảng Đà mới thành lập, Tư lệnh, Chính ủy và cơ quan người còn ở phía Bắc, người ở phía Nam, chưa gặp nhau được để bàn bạc thống nhất chỉ huy, chỉ liên lạc trao đổi bằng thông tin hữu tuyến và vô tuyến, nhưng ngày 29-3-1975, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 đã nổ súng tiến công địch tại thành phố Đà Nẵng. Đến 15h ngày 29-3-1975, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hoàn toàn được giải phóng. Quân đoàn 1, Quân khu 1 cùng với Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn không quân địch bị diệt, tan rã và bắt làm tù binh. Ngay trong đêm 29-3-1975, khi Đà Nẵng vừa được giải phóng, các hãng tin phương Tây đã bình luận: "Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ".

Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam được hoàn toàn giải phóng nối liền với các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Tây Nguyên sạch bóng quân thù, tạo ra thế chiến lược mới, làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng, hoàn toàn có lợi cho cách mạng miền Nam.

Với thắng lợi này, ngày 1-4-1975, Quân ủy Trung ương gửi điện khen ngợi bộ đội Mặt trận Quảng Đà. Bức điện viết: "Nêu cao tinh thần dũng cảm, táo bạo, mưu trí, linh hoạt, các đồng chí đã tranh thủ thời cơ, liên tục tiến công, nhanh chóng thọc sâu, bao vây chia cắt, tiêu diệt địch, bắt nhiều tù binh, thu rất nhiều vũ khí, hỗ trợ đắc lực cho đồng bào nổi dậy giành quyền làm chủ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, các đồng chí đã nêu cao tinh thần quyết thắng, hành động thần tốc, đột kích dũng mãnh... giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng, một căn cứ quân sự liên hiệp mạnh vào bậc nhất của địch ở miền Nam nước ta. Chiến công vang dội của các đồng chí và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã góp phần rất quan trọng đập tan một lực lượng quân sự lớn và bộ máy kìm kẹp của địch trên toàn bộ Quân khu 1 của chúng. Chiến công có ý nghĩa chiến lược và chính trị vô cùng quan trọng đó đã đẩy địch vào thế thất bại hết sức nghiêm trọng, không gì cứu vãn nổi, thúc đẩy thế tiến lên tất thắng của quân và dân ta".

Thắng lợi của chiến dịch tiến công Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng, cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên góp phần làm thay đổi so sánh thế và lực trên chiến trường, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đập tan ý định co cụm của địch, tạo thời cơ thuận lợi để ta tập trung lực lượng áp đảo cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tại sào huyệt địch ở Sài Gòn.

Thắng lợi của chiến dịch tiến công giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch linh hoạt, sáng suốt của Đảng và quân đội ta, sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang, chứng minh sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, đó còn là sản phẩm trực tiếp của nghệ thuật tạo thời cơ, nắm thời cơ, chớp thời cơ và tận dụng thời cơ, chủ trương nhạy bén, táo bạo, mau lẹ, kịp thời của cả cấp chiến dịch và chiến lược... Với ý nghĩa đó, thắng lợi này chứng minh sức mạnh tiến công và nổi dậy của quân dân ta không những có khả năng tiêu diệt, quét sạch những tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở chiến trường rừng núi, mà còn có khả năng giải phóng vùng đồng bằng, thành phố rộng lớn, nơi địch cố tập trung để bảo vệ.

45 năm trôi qua, nhưng thắng lợi của chiến dịch tiến công giải phóng Trị - Thiên - Huế, Đà Nẵng vẫn là dấu ấn sâu đậm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là nguồn cổ vũ và khích lệ to lớn đối với nhân Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng nói riêng, nhân dân các tỉnh Trung Bộ nói chung trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

(Còn nữa)

Trần Minh Tú