Cần quan tâm hơn nữa công tác tiết kiệm, chống lãng phí nguồn lực của xã hội

Chính trị - Ngày đăng : 12:25, 22/04/2020

(HNMO) - Sáng 22-4, tại phiên họp lần thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019.

Quang cảnh phiên họp.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực, có đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; qua đó tạo thêm và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực cũng còn những khó khăn, hạn chế; vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số đơn vị, địa phương.

Nguyên nhân chủ yếu là do người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa quan tâm đúng mức, chưa giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan tham mưu giúp việc làm đầu mối triển khai, thực hiện quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cho ý kiến về báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy đã góp phần lớn vào công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm, việc chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí diễn ra khá phổ biến chứ không phải chỉ ở một vài đơn vị, địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhận định, thực tế việc cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19 cũng góp phần tiết kiệm chi thường xuyên, nhưng Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo để tránh sau khi hết thời gian cách ly thì nảy sinh hiện tượng các đơn vị, địa phương “chi bù”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, việc lãng phí có thể xảy ra ngay từ khâu lập chủ trương cho tới khâu thực hiện. Bên cạnh đó, cần lưu ý nâng cao vai trò thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nguồn lực xã hội trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không chỉ nhấn mạnh ở lĩnh vực công.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần lập lại trật tự trong việc tổ chức lễ hội, bởi dù lễ hội không sử dụng ngân sách nhà nước nhưng việc huy động nguồn lực xã hội cũng gây tốn kém của doanh nghiệp, nhân dân.

“Lẽ ra nguồn lực đó nên để dùng xây dựng các công trình thiết yếu, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 tích cực hơn năm 2018. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng kiến nghị Quốc hội nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành chưa có báo cáo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đồng thời, đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số lĩnh vực.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, thời gian tới, cần thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch, chống lãng phí nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tiến Thành