Ngày cuối giai đoạn 2 thực hiện cách ly xã hội tại Hà Nội: Chấn chỉnh ngay tâm lý chủ quan
Đời sống - Ngày đăng : 06:13, 23/04/2020
Để sớm đánh bại “giặc” Covid-19, tâm lý chủ quan này cần phải được chấn chỉnh ngay trước khi bước vào giai đoạn mới trong phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra chiều 22-4.
Tâm lý chủ quan xuất hiện phổ biến
Sáng 22-4, dù thời tiết bất lợi nhưng lượng người tham gia giao thông tại các quận khá đông, trong đó nhiều người chủ quan không đeo khẩu trang. Nhiều công trình xây dựng và cửa hàng tiếp tục hoạt động. Cụ thể, tại quận Đống Đa, để "che mắt" lực lượng chức năng, cửa hàng mỹ phẩm số nhà 118 phố Hào Nam đã căng bạt để sửa bên trong; phía đối diện, cửa hàng số 111 và 117 cũng mở cửa. Công trình ở ngã ba Tôn Thất Tùng - Trường Chinh (phường Khương Thượng) tập trung nhiều công nhân. Cửa hàng số 1 Cát Linh (phường Văn Miếu), 156 Thái Thịnh (phường Láng Hạ) và ki ốt khu vực Ga Trần Quý Cáp (phường Quốc Tử Giám) mở cửa kiểu đối phó. Tại khu vực ngã ba Nguyễn Khuyến - Cửa Nam, chủ một số cửa hàng bày hàng tràn ra vỉa hè...
Riêng ở phường Ngã Tư Sở, do duy trì nghiêm việc cắm chốt tại khu vực đường ven sông Tô Lịch ngăn việc họp chợ “cóc” và người dân đi tập thể dục nên vi phạm giảm mạnh. Thượng úy Đoàn Ngọc Việt, Phó Trưởng Công an phường cho biết, việc liên tục xử phạt các trường hợp vi phạm đã giúp duy trì nền nếp.
Trên phố Định Công (quận Hoàng Mai), cửa hàng sửa chữa xe máy, bán vật liệu xây dựng ở số 273, 121F “nửa đóng, nửa mở”. Tại phố Giáp Bát, cửa hàng ở số 178 cũng mở cửa bán nhiều đồ gia dụng. Ông Đặng Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công nhận định: “22-4 là ngày cuối của đợt 2 cách ly xã hội nên một số người có tâm lý chủ quan. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay và xử lý nghiêm”.
Tại quận Hai Bà Trưng, nhiều người bán hàng rong xuất hiện ở các phố Trần Xuân Soạn, Trần Nhân Tông, Lò Đúc. Thậm chí, dù rất gần trụ sở Công an phường Đống Mác (phố Lò Đúc), một số địa chỉ ở: 178, 190A, 190 vẫn ngang nhiên bán hàng. Tương tự, trên phố Kim Ngưu, nhiều cửa hàng không thiết yếu cũng mở bán công khai.
Tâm lý người dân chủ quan cũng xuất hiện nhiều tại quận Thanh Xuân; nhiều hàng quán đã hoạt động trở lại, như các địa chỉ: 22 và 33 Hạ Đình; số 41, 43A, 195 Nguyễn Tuân; hay các số 39, 43, 45 Khuất Duy Tiến. Cũng tại quận này, chợ "cóc" họp giữa các tòa chung cư B1, C21 và C1, phường Thanh Xuân Bắc hoạt động nhộn nhịp.
Quận Nam Từ Liêm, trên đường Nguyễn Trãi (phường Trung Văn), cửa hàng số 202, 230, nhà sách Minh Thuận số 38 vẫn mở cửa. Chủ tịch UBND phường Trung Văn Nguyễn Đắc Long cho biết: "Ngay trong chiều 22-4, Công an phường đã nhắc nhở nên vi phạm đã được khắc phục".
Tại quận Bắc Từ Liêm, các cửa hàng: 308, 310, 392, 394 đường Hồ Tùng Mậu (phường Phú Diễn); 29, 31, 33, 35 đường Phúc Diễn (phường Phúc Diễn); 22, 11 phố Đức Thắng (phường Đức Thắng) kinh doanh bình thường. Còn ở quận Long Biên, các cửa hàng ở 308, 310 và 250 Nguyễn Văn Cừ cũng đón khách.
Tại quận Ba Đình, cửa hàng số 242 phố Kim Mã, 204A phố Đội Cấn có nhiều người đến giao dịch trong buổi trưa 22-4. Đầu ngõ 35 phố Kim Mã Thượng, nhiều thanh niên tụ tập, không đeo khẩu trang. Trong khi đó, cùng ngày, phường Ngọc Hà đã xử lý các cửa hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại phố Hoàng Hoa Thám; phường Nguyễn Trung Trực duy trì chốt kiểm tra, giám sát tại đầu phố Hòe Nhai nơi vi phạm Báo Hànộimới nêu trước đó.
Các vi phạm tương tự cũng dễ thấy ở các chợ dân sinh. Tại chợ Phúc Tân, phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm), một số người chủ quan ngồi ăn sáng ngay dưới lòng đường, không đeo khẩu trang. Trong khi đó, tại chợ 337 (phường Dịch Vọng) và chợ tạm Hợp Nhất, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), dù có căng dây tạo khoảng cách 2 mét, nhưng nhiều người vẫn đứng túm tụm, có người còn “vượt rào” vào chọn hàng, có người không đeo khẩu trang.
Trái ngược với những vi phạm bung ra ở nội thành, ở ngoại thành, việc thực hiện cách ly vẫn được các địa phương nỗ lực duy trì. Ngày 22-4, số người ra đường giảm so với những ngày trước; nhiều cửa hàng bán hàng không thiết yếu đóng cửa; các chốt kiểm dịch và lực lượng chức năng vẫn duy trì tốt nhiệm vụ. Thực tế này được phóng viên ghi nhận ở nhiều địa bàn như: Xã Dị Nậu (huyện Thạch Thất); xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn); thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên); xã Vĩnh Quỳnh (huyện Thanh Trì); xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh).
Với xã Cổ Loa (huyện Đông Anh), các cửa hàng không thiết yếu đều đóng cửa. Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho biết: Trong ngày 22-4, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt một số trường hợp ra đường không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, tại xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức), vẫn có tình trạng nhiều cửa hàng không thiết yếu mở cửa, nhưng không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.
Tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm
Trước những thông tin về những vi phạm trong thực hiện cách ly xã hội do nhóm phóng viên Báo Hànộimới cung cấp, lãnh đạo các địa phương đều ghi nhận và đã yêu cầu lực lượng chức năng xử lý ngay. Nói về việc xử lý vi phạm trên tuyến phố Nguyễn Văn Lộc và Trần Phú sáng 22-4, bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Quan điểm của quận là tiếp tục kiểm tra, cương quyết xử lý các vi phạm. Những địa chỉ phóng viên cung cấp sẽ được giao ngay UBND phường Mộ Lao kiểm tra.
Theo ông Đặng Việt Phương, Chủ tịch UBND phường Gia Thụy (quận Long Biên), các phố Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm… là những tuyến phố trước đây kinh doanh sầm uất nên UBND phường liên tục kiểm tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh phải đóng cửa để phòng dịch. Tuy nhiên, do ý thức của các hộ hạn chế nên khi vắng lực lượng chức năng, vi phạm lại tái diễn. Với những vi phạm Báo Hànộimới phản ánh, phường sẽ giao lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý dứt điểm.
Với những tồn tại tại quận Cầu Giấy, liên quan đến phường Trung Hòa, ông Lai Mạnh Tiến, Chủ tịch UBND phường Trung Hòa cho biết: Ngày nào phường cũng có lực lượng đi kiểm tra nhắc nhở, nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Chỉ riêng ngày 21-4, phường đã xử phạt 7 trường hợp. Còn ông Nguyễn Việt Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cũng khẳng định, việc người dân cố tình “vượt rào” để vào chọn hàng tại chợ 337, phường sẽ giao lực lượng chức năng chấn chỉnh ngay.
Còn ông Đỗ Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) cho biết: Phường vẫn đang duy trì 2 chốt trực, 5 tổ công tác đi tuyên truyền, xử lý vi phạm; những vi phạm phóng viên nêu sẽ được kiểm tra ngay.
Liên quan đến công trình đang thi công tại ngã ba Tôn Thất Tùng - Trường Chinh, ông Nguyễn Hoàng Thắng, Chủ tịch UBND phường Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết: “Phường tiếp thu thông tin Báo Hànộimới nêu và đã cho lực lượng chức năng xuống lập biên bản xử phạt 1,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu chủ nhà ký cam kết không tái phạm”.
Sau rất nhiều nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đến nay dịch Covid-19 đã được thành phố kiểm soát tốt và Hà Nội được xếp vào nhóm có nguy cơ, nhưng không phải trên phạm vi toàn thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vẫn còn. Do đó, để sống an toàn trong bối cảnh còn có dịch, mỗi người càng phải nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm quy định trong phòng, chống dịch ở từng thời điểm, từng địa bàn... Chỉ khi không chủ quan, dịch mới không xâm nhập trở lại và khi đó công cuộc chống “giặc” Covid-19 mới đạt kết quả.
11.914 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 bị xử phạt
Tính đến 17h ngày 22-4, báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 1-4 đến nay cho thấy, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 11.914 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các lỗi vi phạm chủ yếu là mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do cấp thiết... Ở khu vực nội thành, các địa phương có số trường hợp xử phạt cao thời gian qua là: Đống Đa (2.069 trường hợp), Nam Từ Liêm (831 trường hợp), Hoàng Mai (708 trường hợp)...