Dịch Covid-19: Đến sáng 24-4 đã có hơn 190.000 người tử vong trên toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 06:33, 24/04/2020

(HNMO) - Tính đến 6h sáng 24-4, toàn thế giới ghi nhận 2.714.747 ca nhiễm Covid-19 tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 190.392 trường hợp tử vong và 744.886 người đã hồi phục.

Nghiên cứu về kháng thể cho thấy số ca nhiễm Covid-19 tại bang New York (Mỹ) trên thực tế có thể cao hơn nhiều lần.

Ngày 24-4, Reuters dẫn báo cáo của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết, 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp dụng lệnh cấm hoặc hạn chế xuất khẩu đối với khẩu trang, găng tay và các hàng hóa khác để giảm tình trạng thiếu hụt đồ bảo hộ y tế, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo WTO, lệnh hạn chế được 72 thành viên và 8 quốc gia không phải thành viên của tổ chức này áp đặt, song chỉ có 13 thành viên WTO gửi thông báo theo quy định. WTO lo ngại sự thiếu minh bạch về các hạn chế và việc giảm hợp tác quốc tế có thể làm suy yếu các nỗ lực làm chậm tốc độ lây lan của dịch Covid-19.

Ngày 23-4, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã kêu gọi một thỏa thuận toàn cầu về việc xóa khoảng 1.000 tỷ USD nợ của các nước đang phát triển nhằm hỗ trợ những nước này vượt qua cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 23-4, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge khu vực châu Âu bày tỏ lo ngại Lục địa già đang chứng kiến một thảm kịch nhân đạo không thể tưởng tượng được trong các nhà dưỡng lão, khi số người tử vong tại đây chiếm tới 50% tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại một số nước châu Âu.

Châu Mỹ

Tại Mỹ, tâm dịch lớn nhất thế giới, gần 50.000 người đã tử vong do Covid-19, chiếm khoảng 50% số ca tử vong trên toàn cầu. Nước này cũng đã ghi nhận thêm hơn 30.000 trường hợp dương tính, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 878.779 người.

Sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn vào ngày 21-4, Hạ viện Mỹ ngày 23-4 đã thông qua dự luật cứu trợ trị giá 484 tỷ USD, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và các bệnh viện ứng phó với cuộc khủng hoảng từ Covid-19. Dự luật này sẽ được gửi tới Nhà Trắng với cam kết của Tổng thống Donald Trump về việc nhanh chóng ký ban hành.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, những phát hiện ban đầu từ một nghiên cứu về kháng thể được thực hiện trên 3.000 người tại các cửa hàng tạp hóa trên toàn bang cho thấy 13,9% trong số này có kháng thể vi rút SARS-CoV-2. Nếu xét trên toàn bộ dân số bang New York, tỷ lệ này cho thấy có thể có tới 2,7 triệu người đã nhiễm Covid-19, gấp 10 lần số ca dương tính được ghi nhận hiện nay.

Quan chức này cho biết, trong những ngày tới, các xét nghiệm sẽ tiếp tục được thực hiện trên diện rộng, đặc biệt là tại các cộng đồng người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha để có cái nhìn chính xác hơn về đà lây lan của dịch bệnh.

Châu Âu 

Ngày 23-4, Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 440 người tử vong do Covid-19, tăng nhẹ so với con số 435 người trước đó một ngày, nâng tổng số người tử vong tại nước này lên 22.157 người. Cùng ngày, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Pablo Iglesias thông báo trẻ em dưới 14 tuổi sẽ được phép rời nhà trong vòng 1 giờ dưới sự giám sát của người lớn và không được phép di chuyển quá phạm vi 1km tính từ nhà, trong bối cảnh đà lây lan của dịch bệnh đang chậm lại.

Ngày 23-4, phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng  Angela Merkel nhận định nước này mới ở giai đoạn đầu của dịch Covid-19 và sẽ phải sống chung với dịch bệnh trong 1 thời gian dài. 

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, chính phủ nước này mong muốn tất cả các cửa hàng bán lẻ đều có thể hoạt động trở lại vào ngày 11-5, khi lệnh phong tỏa toàn quốc được dỡ bỏ, đồng thời áp dụng những biện pháp đặc biệt tại những nơi tập trung đông người như nhà hàng, quán cafe, quán bar. 

Ngày 23-4, sau cuộc họp của chính phủ, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Séc Adam Vojtech cho biết, nước này đã nới lỏng các hạn chế sau khi ghi nhận những tín hiệu lạc quan trong ứng phó với Covid-19. Cộng hòa Séc là một trong những quốc gia châu Âu áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn đà lây lan của vi rút.

Tờ Telegraph đưa tin, Thủ tướng Anh Borish Johnson đang lên kế hoạch trở lại làm việc, sớm nhất là vào ngày 27-4 tới. Nhà lãnh đạo Anh cũng đã yêu cầu các trợ lý lên kế hoạch về cuộc họp với các bộ trưởng vào tuần tới để nắm bắt tình hình. Ngày 23-4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancook cam kết mở rộng xét nghiệm đối với tất cả người lao động làm việc trong các lĩnh vực chủ chốt, thay vì chỉ có nhân viên y tế và những người làm việc trong các viện dưỡng lão như trước đây.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua thỏa thuận về 3 mạng lưới an toàn về công nhân, doanh nghiệp và chủ quyền nhằm hỗ trợ ngay lập tức cho các quốc gia thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, với số tiền lên tới 540 tỷ USD; đồng thời kêu gọi đưa gói hỗ trợ này vào hoạt động trước ngày 1-6 tới.

Châu Á

Ngày 23-4, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 ở mức 1 chữ số với 8 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp dương tính này lên 10.702 ca và 240 người tử vong. Đây là ngày thứ năm liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm ở mức dưới 15 ca. Mặc dù vậy, giới chức y tế nước này cảnh báo nhiều khả năng đại dịch có thể bùng phát trở lại, đặc biệt là vào đầu mùa đông năm nay.

Châu Phi

Ngày 23-4, Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly cho biết, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm ứng phó với dịch Covid-19 trong tháng lễ Ramadan với việc cho phép nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại và rút ngắn lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Các trung tâm mua sắm đượp phép mở cửa vào cuối tuần, song vẫn sẽ phải đóng cửa kể từ sau 5h chiều.

Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết, chính phủ nước này sẽ cho phép mở lại một phần nền kinh tế vào ngày 1-5 tới, khi các hạn chế đi lại được nới lỏng và một số ngành công nghiệp được phép hoạt động, sau khi trải qua gần 1 tháng phong tỏa. 

Minh Hiếu