Thành phố Hồ Chí Minh: Từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 24/04/2020
Thành quả bước đầu phòng, chống dịch
Đến thời điểm này, thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố cho thấy chỉ trong vòng hơn một tháng, thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập được 36 khu cách ly tập trung với quy mô 24.000 giường; thiết lập hệ thống 4 cơ sở điều trị chuyên sâu Covid-19... Thành phố cũng chỉ đạo đưa ra thị trường 40 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn cho người dân; trang bị 10.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng. Đồng thời, thành phố Hồ Chí Minh công bố 1.073 điểm bán khẩu trang, 2.610 điểm bán các mặt hàng thiết yếu giữ thị trường luôn bình ổn, không xảy ra tình trạng gom hàng, thiếu hàng.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Vào giai đoạn cao điểm, thành phố có tới 42 ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, với công tác khoanh vùng, dập dịch quyết liệt, thành phố đã giảm đến mức tối đa sự lây nhiễm ra cộng đồng. Đây là giải pháp rất đặc thù của Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, mang đến thành công bước đầu trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Lệ Thi, 73 tuổi, trú tại đường số 1 phường Tân Phong, quận 7 nhận xét: "Cán bộ phường phát tờ rơi tận nhà, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch. Ngoài chợ dân sinh, dân quân trực gác, nhắc người vào chợ đeo khẩu trang, không tụ tập quá đông người ở một chỗ; thông tin phòng, chống dịch được thông báo hằng ngày rất đầy đủ... Rõ ràng, chính quyền đã làm cho người dân yên tâm và tin tưởng rất nhiều, để từ đó kiểm soát được tình hình dịch".
Sống chung và kiểm soát dịch bệnh
Các cấp, các ngành thành phố Hồ Chí Minh xác định: Hiện chưa có vắc xin phòng ngừa vi rút SARS-CoV-2, cũng chưa có thuốc chữa trị đặc trị Covid-19. Điều này cho thấy phải có cách sống chung và kiểm soát không để lây nhiễm gia tăng. Đây chính là phương châm thực hiện từng bước tái khởi động các hoạt động xã hội trong một trạng thái được gọi là “bình thường mới”, nghĩa là giai đoạn phải có các biện pháp sống chung với người nhiễm SARS-CoV-2, nhưng phải kiểm soát tốt để không bùng phát thành dịch Covid-19 như thời gian qua.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến ngày 30-4, thành phố sẽ lần lượt ban hành bộ Chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, lấy đó làm căn cứ xem xét khả năng phòng, chống dịch Covid-19 để từng bước cho ngành, lĩnh vực đó hoạt động trở lại. Trước đó, thành phố đã ban hành "Bộ Chỉ số rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 trong doanh nghiệp" và đem lại hiệu quả nhất định. Song song với đó, không chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới, thành phố duy trì việc xét nghiệm tầm soát diện Covid-19 trong cộng đồng tại khu nội trú của công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; kiểm soát chặt người vào thành phố, nhất là những người từ nước ngoài về.
Dưới góc độ doanh nghiệp, khi đánh giá về kế hoạch chuyển sang trạng thái “bình thường mới” của thành phố Hồ Chí Minh, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, nhận xét: "Bộ Chỉ số rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19 trong doanh nghiệp mà thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai giúp công ty kịp thời khắc phục những thiếu sót trong phòng, chống dịch. Từ đó, đưa nguy cơ lây nhiễm từ 91% xuống còn hơn 40%, được tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đó là cơ sở để thành phố có thể áp dụng các bộ Chỉ số đánh giá rủi ro lây nhiễm trong mọi ngành, mọi lĩnh vực".
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố đã chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế khi hết cách ly xã hội. Việc mở trở lại một số hoạt động thiết yếu, ít nguy cơ lây nhiễm gắn với bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh trong từng ngành, lĩnh vực sẽ được thực hiện trên cơ sở hết sức thận trọng, cân nhắc nhiều mặt; thí điểm, đánh giá đa chiều và triển khai từng bước sau đó mới nhân rộng...
Cụ thể, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Chúng ta cần thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố Hồ Chí Minh phải có lộ trình để mở rộng quy mô các hoạt động đời sống, xã hội, dịch vụ; ít nhất trong vòng 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 7-2020), quy mô được tăng dần lên và trở lại quy mô như cũ. Mọi diễn biến dịch Covid-19 phải hoàn toàn trong sự kiểm soát của ngành Y tế”.