Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến người lao động
Đời sống - Ngày đăng : 12:51, 24/04/2020
Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của dịch, việc tham gia thị trường lao động của người lao động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và các ngành, nghề lao động đều giảm. Tính đến giữa tháng 4-2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng, tạm mất việc làm hoặc bị giãn việc, nghỉ luân phiên. Trong đó, lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), tiếp đến là ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740 nghìn lao động).
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong số các lao động bị ảnh hướng, khoảng 54% đang làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 46% đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã.
Tính đến giữa tháng 4-2020, lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp và hợp tác xã chủ yếu là tạm nghỉ việc (chiếm gần 59%), tiếp đến là bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên (chiếm gần 28%) và lao động bị mất việc (chiếm gần 13%).
Có khoảng 84,8% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp quy mô lớn và vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Cụ thể, hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020.
Theo bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, các chỉ số lao động việc làm phản ánh sự sụt giảm về cung ứng của thị trường lao động cũng như tác động của giảm việc làm đối với thu nhập của người lao động.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75,4% dân số từ 15 tuổi trở lên, giảm 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp tăng lên, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của quý I-2020 là gần 1,1 triệu người, tăng 26.100 người so với quý trước và tăng 26.800 người so với cùng kỳ năm trước.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ vẫn là thách thức không nhỏ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy nhanh các thủ tục hướng dẫn, cải cách thủ tục hành chính để bảo đảm các gói hỗ trợ được triển khai kịp thời, đến đúng đối tượng.
Tuy nhiên, “đại dịch Covid-19 cũng đem lại cho các nền kinh tế một cơ hội mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Triển vọng về một nền kinh tế trực tuyến trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết”, Phó Tổng Cục trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh.