Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 24/04/2020
Trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu cho may xuất khẩu thiếu hụt, đơn hàng của các đối tác nước ngoài bị cắt, giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, ngành Dệt may đã có được những bước đi kịp thời, chính xác. Đó là sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn khi nguyên phụ liệu trong nước có thể chủ động. Đây được xem như đòn bẩy giúp các doanh nghiệp dệt may giải quyết khó khăn trước mắt.
Ông Trần Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân cho biết, do sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, tự sản xuất được vải nguyên liệu (vải kháng khuẩn đang xuất sang Nhật Bản), nên công ty chớp cơ hội tăng doanh số từ việc may khẩu trang và tăng sản lượng vải cung cấp cho các doanh nghiệp trong ngành để cùng sản xuất mặt hàng này.
Tuy nhiên, câu chuyện tương tự ở ngành Dệt may không nhiều. Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp còn thấp, nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phần lớn phải nhập khẩu. Sản xuất trong nước chủ yếu tập trung ở lĩnh vực gia công hạ nguồn, dẫn đến rủi ro “đứt gãy” chuỗi sản xuất càng lớn, nhất là khi nguồn cung nhập khẩu có biến động.
Bộ Công Thương cho biết, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 3 tháng đầu năm 2020 tăng 5,8% và đây là con số thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước và 15,7% của cùng kỳ năm 2018… Nguyên nhân chính là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ.
Đề cập đến tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, để gỡ khó, quan trọng nhất là thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… tránh phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác hoặc thị trường như hiện nay.
Để giải quyết vấn đề này, ngành Công Thương đang tiếp tục rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế…
Hiện tại, để tăng tính độc lập, tự chủ cho các ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề xuất Chính phủ xem xét, tiến hành các giải pháp dài hạn bằng việc sớm thông qua Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Từ đó có căn cứ xây dựng các chính sách lớn và tổ chức triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.